Trước năm 1945, hoạt động xét xử vụ án hành chính đã được các Nhà nước phong kiến Việt Nam thực hiện nhưng chưa có các quy định riêng về loại thủ tục này. Hoạt động xét xử hành chính được thực hiện thông qua việc giải quyết hình luật, dân luật. Khi thực dân Pháp thôn tính toàn bộ Đông Dương và thực hiện chế độ cai trị trên toàn bộ lãnh thổ này, đồng thời cũng đã thiết lập hệ thống cơ quan xét xử, trong đó có xét xử hành chính để giải quyết tranh chấp hành chính. Theo đó, bên cạnh hệ thống cơ quan xét xử của chính quyền bảo hộ, chính quyền bù nhìn của thực dân Pháp đã thành lập ở Việt Nam Tòa hành chính để giải quyết một số tranh chấp hành chính như tranh chấp về thuế .
Từ sau thành công của Cách mạng tháng tám đến năm 1975, nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc, hệ thống pháp luật cũng có những điểm khác biệt. Tại thời điểm này, miền Nam thời kỳ 1950-1954 tồn tại 3 hệ thống tài phán: Hệ thống hỗ hợp pháp viện bao gồm hai cơ quan, Tòa hành chính hỗn hợp đặt tại Đà Lạt và Ủy ban thượng thẩm hỗn hợp đặt cạnh Tham chính viện Pháp (hai tổ chức được thành lập thao Nghị định thư ngày 17/6/1950 của cao cấp ủy Pháp tại Đông Dương và Quốc trưởng Việt Nam), thứ hai là hệ thống pháp đình hành chính Pháp, hai hệ thống này có quyền xét xử các hành vi hành chính liên quan đến công sở của người Pháp và công chức Pháp. Thứ ba là hệ thống tài phán Việt Nam gồm có Tòa hành chính và ban hành chính tối cao pháp viện (được thành lập do dụ số 18/10/1949 và Dụ số 2-5/1/1950) chỉ có quyền xét xử đối với công chức người Việt và những hành vi liên quan đến công sở của người Việt, thực tế không có thực quyền. Ba hệ thống xét xử này sau đó đã kết thúc bởi Hiệp ước tư pháp ngày 16/9/1954 được ký giữa chính phủ Pháp và Việt Nam. Thời kỳ sau đó (từ 1945-1975) tại miền Nam chính quyền Sài Gòn thành lập Tòa hành chính, Tham chính viện và Tối cao pháp viện tạo thành hệ thống tài phán hành chính theo cấp xét xử và có quyền tài phán hành chính trên lãnh thổ Nam Việt Nam . Thẩm quyền của hệ thống tài phán hành chính trong giai đoạn này được mở rộng hơn, cụ thể tập trung vào xét xử sơ thẩm, chung thẩm và tranh tụng liên quan đến hành vi của công chức trong chính quyền. Mô hình tòa hành chính của Việt Nam thời kì này chịu nhiều ảnh hưởng của tổ chức tài phán hành chính Pháp. Ngoài hệ thống tài phán hành chính trêm quyền tài phán hành chính còn được thực hiện bởi một số tòa chuyền biệt như tòa tài chính, tòa cấp dưỡng chuyên xét cử các tranh chấp hành chính trong lĩnh vực tài chính, cấp dưỡng. Trong khi đó, ở miền Bắc trong giai đoạn này vẫn chưa hình thành cơ quan tài phán hành chính . Có thể thấy, việc xét xử các vụ kiện hành chính trong thời gian qua đã được chính quyền cai trị quan tâm mà thể hiện rõ nét nhất là thông qua việc thiết lập các cơ quan xét xử hành chính. Tuy vậy, Luật tố tụng hành chính vẫn chưa ra đời. Các quy định về thẩm quyền xét xử hành chính cũng như thủ tục giải quyết các vụ án hành chính vẫn còn tồn tại lồng ghép trong các văn bản tố tụng khác mà chủ yêu là Luật Tố tụng dân sự.
Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1995. Đặc trưng của giai đoạn này là sự ảnh hưởng về mặt tư tưởng pháp lý Nhà nước Xô Viết với quan điểm không ủng hộ một hệ thống tài phán hành chính độc lập, chính vì thế một thời gian dài Việt Nam đã không thiết lập mô hình tài phán hành chính để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong quan hệ hành chính giữa cơ quan công quyền với công dân. Nhưng thực tế thì những vấn đề đó luôn luôn tồn tại, có thể kể đến như việc công dân khiếu nại về danh sách cử tri hoặc cơ quan hành chính từ chối đăng kí hoặc không chấp nhận yêu cầu về sửa đổi những điều ghi trong giấy tờ hoặc hộ tịch. Cơ chế giải quyết lúc bấy giờ đó là nếu công dân không đồng ý với cách giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính thì có thể kiện ra tòa dân sự. Tức là tại thời điểm bấy giờ chưa có tòa hành chính thì việc giải quyết một số tranh chấp hành chính do Tòa án tư pháp (tòa dân sự) đảm nhiệm . Tòa dân sự đã giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất của cả khu đất và trên đó có nhà ở, vật kiến trúc hoặc cây lâu năm đang có tranh chấp. Trong trường hợp giải quyết các tranh chấp này, Tòa án xem xét tính hợp pháp và bãi bỏ những quyết định do cơ quan hành chính ban hành như quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định về quyền sở hữu nhà ở . Bên cạnh đó, theo Quyết định số 10/HĐBT ngày 14/1/1985 của Hội đồng bộ trưởng, một số quyết định hành chính do cơ quan hành chính ban hành để xử lí buộc thôi vệc đối với công nhân, viên chức, quyết định buộc bồi thường phí tổn cho Nhà nước đối với học sinh học nghề trong nước, học sinh học nghề hoặc giáo viên dạy nghề và thực tập sinh ở nước ngoài vì bị thi hành kỉ luật, những tranh chấp có liên quan đến quyết định hành chính loại này cũng do Tòa án thụ lí và giải quyết theo thủ tục dân sự.
Như vậy có thể nói rằng, cho đến năm 1995, Luật Tố tụng hành chính Việt Nam vẫn chưa ra đời. Dù vậy, với việc trao quyền xét xử các tranh chấp về quản lý hành chính cho hệ thộng Toà án thường theo thủ tục tố tụng dân sự đã cho thấy sự quan tâm của nhà nước về sự cần thiết của lĩnh vực tài phán hành chính. Bên cạnh đó, cơ chế tự xem xét, giải quyết khiếu nại hành chính của chính chủ thể quản lý đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong tình hình mới. Vì vậy, một hệ thống tư pháp hành chính ra đời đồng thời kèm theo đó là thủ tục tố tụng chặt chẽ và phù hợp với những đặc trưng của quan hệ hành chính là một yêu cầu tất yếu.
Để đáp ứng yêu cầu trên, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý hành chính Nhà nước, tăng cường và đảm bảo vệ quyền cho các nhân, tổ chức, Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khoá VII, tại Hội nghị lần thứ 8 đã ra Nghị Quyết về việc “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính”, chỉ đạo: “Đẩy mạnh giải quyết các khiếu kiện của dân... xúc tiến việc thành lập Toà án Hành chính để xét xử các khiếu kiện của dân đối với các quyết định hành chính”. Thực hiện tinh thần này, ngày 28 tháng 10 năm 1995, Quốc Hội đã thông qua Luật Sửa đổi, Bổ sung một số Điều Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1992, trong đó thiết lập Toà Hành chính như một Toà chuyên trách của Toà án nhân dân để đảm nhận chức năng xét xử các khiếu kiện hành chính. Để tạo cơ sở cho việc hoạt động của Toà Hành chính, ngày 21 tháng 05 năm 1996 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để quy định về cách thức, trình tự giải quyết vụ án hành chính cũng như quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia vào quan hệ tố tụng. Như vậy, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 (ngày PLTTGQCVAHC và Luật Sửa đổi, Bổ sung Luật TCTAND năm 1992 có hiệu lực), một phương thức giải quyết tranh chấp hành chính giữa công dân và công quyền được thừa nhận và việc thực hiện trên thực tế theo một quy trình chặt chẽ (thủ tục tố tụng) bởi một chủ thể độc lập đó chính là thủ tục khỏi kiện và giải quyết vụ án hành chính tại Toà án theo thủ tục tố tụng hành chính. Kể từ thời điểm này, Luật tố tụng hành chính ra đời và tồn tại với tư cách là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam với đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, nhiệm vụ và nguồn riêng.
Cho đến nay, Luật tố tụng hành chính Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện thông qua việc sửa đổi Pháp lệnh thủ tục giải quyết cá vụ án hành chính vào các năm 1998 và 2006. Đến năm 2010 Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (có hiệu lực ngày 01/7/2011). Đến năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực ngày 01/7/2016, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2019) được xem là một bước hoàn thiện quan trong của ngành luật Tố tụng hành chính Việt Nam. Tuy vậy, so với các ngành luật khác thì Luật tố tụng hành chính là một ngành luật còn rất non trẻ.
Nội dung này dựa theo Giáo trình Luật Tố tụng hành chính của Trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh