1. Các biện pháp thu thập chứng cứ khác của Tòa án trong Luật tố tụng hành chính
Trong vụ án hành chính (VAHC) để Tòa án ra ban hành quyết định, bản án phù hợp với sự thật khách quan, đúng pháp luật thì phải trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện, khách quan các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án. Vụ án có được Tòa án giải quyết nhanh chóng, chính xác, công bằng, đúng pháp luật hay không phụ thuộc rất lớn vào chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Nguyên tắc đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án nhưng những chứng cứ do các bên đương sự cung cấp trong nhiều trường hợp chưa đầy đủ, chưa có cơ sở vững chắc để giải quyết vụ án thì Tòa án phải thu thập thêm chứng cứ để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, từ đó phán quyết của Tòa án ban hành có cơ sở vững chắc, bảo đảm sự công bằng cho các đương sự và bảo vệ được công lý.
Theo pháp luật TTHC hiện hành, thu thập chứng cứ của Tòa án được thực hiện theo một trình tự, thủ tục luật định. Thẩm phán có thể tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ bằng các biện pháp đã được luật quy định rõ tên gọi như: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng; xem xét, thẩm định tại chỗ; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản; ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án; biện pháp khác theo quy định của pháp luật .
Trong các biện pháp thu thập chứng cứ được quy định rõ ràng tên gọi như trên thì đối với “biện pháp khác theo quy định của pháp luật” có thể hiểu là luật quy định mang tính chất dự phòng, khi vụ án phức tạp, phát sinh thêm các tình tiết, chứng cứ mới thì cũng giúp cho Tòa án có thể linh động áp dụng để có thể thu thập được nhiều loại chứng cứ khác nhau để góp phần làm sáng tỏ nội dung của vụ án.
Trên thực tế, trong VAHC có trường hợp Tòa án áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ không thuộc các biện pháp theo tên gọi mà luật đã quy định nên có thể xem là thuộc trường hợp “biện pháp khác theo quy định của pháp luật”. Các biện pháp khác có thể biểu hiện thông qua các trường hợp cụ thể sau:
Thứ nhất, trường hợp Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án thu thập những tài liệu, cứ trong hồ sơ vụ án đã được chính Tòa án mình giải quyết xong trước đó.
Trong quá trình giải quyết VAHC, Thẩm phán đang thụ lý giải quyết vụ án thấy có những tài liệu, cứ có trong hồ sơ vụ án đã được chính Tòa án mình giải quyết xong trước đó mà có giá trị chứng minh liên quan đến VAHC đang được giải quyết thì Thẩm phán có quyền thu thập chứng cứ bằng cách trích lục những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được giải quyết xong, đang được lưu giữ tại cơ quan mình. Biện pháp này không được xem là trùng với biện pháp “yêu cầu cơ quan, tổ chức, cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án”. Bởi vì biện pháp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ có nghĩa là chứng cứ đang được lưu trữ, quản lý bởi cơ quan, tổ chức khác với cơ quan Tòa án đang giải quyết vụ án. Nhận thấy chứng cứ này liên quan đến vụ án mà Tòa án đang thụ lý giải quyết nên Tòa án mới yêu cầu cơ quan, tổ chức khác đang lưu giữ chứng cứ này cung cấp cho Tòa án.
Chính vì “biện pháp khác theo quy định” được xem là quy định dự phòng nên luật chưa quy định về cách thức, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ nên việc áp dụng trên thực tế có nhiều khó khăn, không thống nhất giữa các Tòa án với nhau, mỗi Thẩm phán có cách làm khác nhau. Trên thực tế các Thẩm phán có những cách làm để thu thập chứng cứ theo biện pháp này như sau:
Cách 1: Thẩm phán yêu cầu bộ phận văn thư lưu trữ (yêu cầu bằng miệng) cho Thẩm phán mượn hồ sơ lưu trữ, rồi Thẩm phán tiến hành photo tài liệu, chứng cứ cần thiết rồi bỏ vào hồ sơ vụ án đang giải quyết.
Cách 2: Thẩm phán báo cáo (bằng miệng) với Chánh án, xin mượn hồ sơ lưu trữ, rồi Thẩm phán tiến hành photo tài liệu, chứng cứ cần thiết bỏ vào hồ sơ vụ án đang giải quyết.
Cách 3: Thẩm phán làm văn bản trình bày xin ý kiến Chánh án, ghi rõ những tài liệu, chứng cứ cần thu thập, lý do cần thu thập. Khi Chánh án đồng ý trả lời (bằng miệng) cho trích lục tài liệu, chứng cứ thì Thẩm phán tiến hành photo tài liệu, chứng cứ cần thiết bỏ vào hồ sơ vụ án đang giải quyết. Hoặc có Tòa án thì giao cho Phó Chánh án phụ trách, quản lý nội dung trích lục hồ sơ thì Thẩm phán báo cáo Phó chánh án rồi tiến hành photo tài liệu, chứng cứ cần thiết bỏ vào hồ sơ vụ án đang giải quyết.
Theo quan điểm của chúng tôi cả ba cách thu thập chứng cứ như trên đều có thể thu thập được chứng cứ, nhưng chứng cứ thu thập được không đủ điều kiện sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án, vì không đảm bảo tính hợp pháp của chứng cứ. Tính hợp pháp của chứng cứ được thể hiện ở việc chứng cứ phải được chứa đựng trong các nguồn chứng cứ và muốn có được chứng cứ nằm trong các nguồn này đòi hỏi phải được thu thập bằng những biện pháp, cách thức, trình tự thủ tục do Luật Tố tụng hành chính quy định. Tức là để tài liệu chứng cứ mà Thẩm phán trích lục từ hồ sơ lưu trữ đảm bảo được tính hợp pháp thì Thẩm phán phải thực hiện đúng cách thức để lấy chứng cứ và làm đúng trình tự thủ tục khi tiến hành trích lục, photo chứng cứ.
Mặc khác, trong VAHC hầu hết chứng cứ mà Thẩm phán cần thu thập bằng cách trích lục từ hồ sơ lưu trữ trong hồ sơ vụ án trước đó thể hiện dưới dạng nguồn chứng cứ là tài liệu đọc được. Điều kiện để tài liệu đọc được được xem là chứng cứ khi đáp ứng được yêu cầu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận . Do đó, nếu Thẩm phán chỉ tiến hành photo tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án trước đó xong, lấy bản photo đó bỏ vào hồ sơ vụ án đang giải quyết, làm căn cứ giải quyết vụ án thì chứng cứ này cũng không đáp ứng điều kiện thoả mãn tính hợp pháp của chứng cứ đối với tài liệu đọc được, vì bản photo không phải là bản chính hoặc bản sao do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
Theo chúng tôi được biết cho tới nay chưa có quy định pháp luật nào quy định rõ ràng về trình tự thủ tục, cách thức để Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án thu thập những tài liệu, cứ trong hồ sơ vụ án đã được chính Tòa án mình giải quyết xong trước đó. Bấy lâu nay là các Thẩm phán thu thập chứng cứ theo biện pháp này là làm theo thói quen, theo thông lệ nên mỗi nơi áp dụng một kiểu, vừa không thống nhất và không đúng pháp luật.
Thứ hai, trường hợp Tòa án tiến hành xác minh nơi cư trú của đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án
Trong quá trình giải quyết VAHC nhiều trường hợp Tòa án phải đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc người kế thừa quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của đương sự tham gia tố tụng để giải quyết chính xác vụ án và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan . Trường hợp người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng .
Ví dụ: ông A có phần đất ông A góp vốn mua chung với ông B, do ông A đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận. Phần đất này bị thu hồi nhưng không đồng ý với số tiền bồi thường nên ông A đã khởi kiện quyết định hành chính về thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện ra Tòa án. Trong quá trình Tòa án đang giải quyết vụ án thì ông A chết. Để tiếp tục giải quyết vụ án thì Tòa án phải xác định đưa ông B tham gia với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đưa những người thừa kế của ông A tham gia với tư cách người kế thừa quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của ông A.
Để có thể triệu tập những người này tham gia tố tụng thì đầu tiên Tòa án phải tiến hành xác minh địa chỉ nơi cư trú của những người này. Để thực hiện được biện pháp này thì Thẩm phán hoặc Thư ký tự mình xuống tận nơi cư trú của những người này, hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại phương (Ủy ban nhân dân xã, Công an xã) để xác minh về thông tin nhân thân, địa chỉ cư trú để đủ điều kiện đưa họ tham gia tố tụng. Việc xác minh nơi cư trú do Thẩm phán hoặc Thư ký tiến hành như vậy cũng là biện pháp thu thập chứng cứ, cũng đòi hỏi phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục tục luật định để chứng cứ thu thập được đảm bảo tính hợp pháp có giá trị chứng minh.
Thứ ba trường hợp Tòa án hỏi ý kiến của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về những vấn đề liên quan trong vụ án
Trong quá trình giải quyết VAHC nhiều trường hợp Tòa án cần tham khảo ý kiến của những cá nhân, cơ quan, tổ chức khác để có đầy đủ thông tin làm căn cứ nhận định, giải quyết vụ án được chính xác.
Ví dụ: ông A khởi kiện Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu chấm dứt hành vi không thực hiện xác nhận quy hoạch sử dụng đất. Ủy ban nhân dân huyện cho rằng phần nhà đất của ông A hoàn toàn nằm trong lộ giới nên không xác nhận quy hoạch sử dụng đất cho ông A. Ông A thì cho rằng theo quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch mới nhất thì phần nhà đất của ông A không còn nằm trong quy hoạch lộ giới nữa. Để xác định phần nhà đất của ông A có còn nằm trong quy hoạch lộ giới nữa hay không thì Tòa án làm văn bản hỏi Sở Quy hoạch Kiến trúc về nội dung này. Văn bản trả lời của Sở Quy hoạch Kiến trúc về thông tin quy hoạch phần nhà đất của ông A cho Tòa án được xem là chứng cứ trong vụ án.
Để thực hiện được biện pháp này thì Thẩm phán sẽ ban hành văn bản, ghi rõ nội dung cần cung cấp, trả lời gởi đến cá nhân, cơ quan, tổ chức đó. Chứng cứ là văn bản trả lời của Sở Quy hoạch Kiến trúc này Tòa án thu thập được không phải bằng biện pháp là “lấy lời khai của đương sự, người làm chứng” , bởi vì trong trường hơp này Sở Quy hoạch Kiến trúc không phải là đương sự, cũng không phải là người làm chứng và cũng không phải là biện pháp “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án” , bởi vì văn bản trả lời cung cấp thông tin của Sở Quy hoạch Kiến trúc không rút ra từ nguồn chứ cứ tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ án. Cho nên biện pháp thu thập chứng cứ là hỏi ý kiến của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về những vấn đề liên quan trong vụ án được xem là “biện pháp khác theo quy định của pháp luật” là phù hợp nhất. Vì cũng là biện pháp thu thập chứng cứ nên cũng đòi hỏi phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục luật định.
2. Những kiến nghị hoàn thiện:
Để Tòa án có thể thuận lợi, làm đúng pháp luật trong việc thu thập được chứng cứ trong các trường hợp như trên thì cần có quy định pháp luật rõ ràng, cụ thể về những vấn đề sau:
Thứ nhất, trường hợp Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án thu thập những tài liệu, cứ trong hồ sơ vụ án đã được chính Toà án mình giải quyết xong trước đó
- Cần quy định rõ trong luật tên gọi biện pháp thu thập chứng cứ này, chứ không xếp vào là biện pháp thu thập khác theo quy định.
- Đối với biện pháp thu thập chứng cứ này Thì thẩm phán phải ra quyết định thu thập chứng cứ, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu. Quyết định này phải được Chánh án Tòa án trả lời bằng văn bản là đồng ý hay không đồng ý cho trích lục, thu thập tài liệu, chứng cứ. Nếu người thụ lý giải quyết vụ án là Thẩm phán giữ chức vụ là Chánh án Tòa án thì cũng phải ban hành quyết định thu thập chứng cứ, rồi từ đó mới tiến hành trích lục, thu thập chứng cứ. Quy định việc này nếu có xảy ra việc làm mất mát, hư hỏng chứng cứ trong quá trình trích lục thì xác định người chịu trách nhiệm.
- Tài liệu, chứng cứ Thẩm phán trích lục, thu thập chỉ được photo từ bản chính, chứ không được lấy bản chính từ hồ sơ ban đầu để lưu vào hồ sơ mới. Thẩm phán tiến hành xác nhận đối chiếu trên bản photo so với bản chính, Thẩm phán phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan về việc đối chiếu bản chính của mình.
Thứ hai, trường hợp Tòa án tiến hành xác minh nơi cư trú của đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án và trường hợp Tòa án hỏi ý kiến của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về những vấn đề liên quan trong vụ án.
- Đối với các trường hợp thu thập chứng cứ này thì Thì thẩm phán không cần phải ra quyết định thu thập chứng cứ.
- Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn cách thức thực hiện để có sự áp dụng thống nhất trong trường hợp thu thập chứng cứ này.