NHỮNG BẤT CẬP TRONG VIỆC THU THẬP CHỨNG CỨ GIỮA NGƯỜI KHỞI KIỆN VÀ NGƯỜI BỊ KIỆN TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

  •  Lượt xem: 53
     Đánh giá:
  •     Tác giả Nguyễn Sơn Lâm, bài viết này đã được đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân, số 02, năm 2022.

    Trong vụ án hành chính (VAHC) thì các đương sự có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc thu thập chứng cứ và chứng minh. Tuy nhiên, trong thực tiễn, người khởi kiện khó có thể thu thập được chứng cứ so với người bị kiện. Vì không có chứng cứ để chứng minh cho nên các yêu cầu của phía người khởi kiện không được Tòa án chấp nhận, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

     

    Trong bài viết này tác giả chỉ tập trung làm rõ những bất cập trong việc thu thập chứng cứ giữa người khởi kiện và người bị kiện và nêu ra các kiến nghị, đề xuất để khắc phục những bất cập về vấn đề này.Tác giả Nguyễn Sơn Lâm, bài viết đã được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, số 2, năm 2022.

     

     

Chi tiết sản phẩm

1. Những bất cập trong việc thu thập chứng cứ giữa người khởi kiện và người bị kiện trong vụ án hành chính

Trong suốt quá trình giải quyết VAHC, thì những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng và các đương sự trong vụ án đều có trách nhiệm chứng minh những tình tiết, sự kiện liên quan trong vụ án. Để chứng minh được, thì bắt buộc các chủ thể chứng minh phải có chứng cứ, cho nên, có thể nói, chứng cứ là cơ sở duy nhất để chứng minh trong VAHC và chứng cứ cũng là phương tiện duy nhất để Tòa án xác định được chính xác các sự kiện, tình tiết của vụ án để giải quyết VAHC được đúng nhất.

Với vai trò là người khởi kiện, để yêu cầu khởi kiện của mình được Tòa án chấp nhận, thì họ luôn chủ động, cố gắng thu thập chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp. Để có căn cứ giải quyết vụ án được nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật, thì Tòa án cũng cần có chứng cứ, nên từ khi thụ lý vụ án đến khi ban hành bản án là một quá trình liên tục Tòa án tiến hành thu thập và đánh giá chứng cứ. Thế nhưng, với vai trò là người bị kiện, họ hoàn toàn không muốn phát sinh vụ án, họ không muốn mình là “bị kiện”, nên họ luôn có sự cản trở, gây khó khăn, không hợp tác với người khởi kiện và cả Tòa án trong việc thu thập chứng cứ. Chính Tòa án khi giải quyết VAHC cũng phải “ngán ngẩm” với việc phía người bị kiện gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án: “Việc trả lời thông báo thụ lý vụ án của Tòa án và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án của người bị kiện trong vụ án hành chính còn rất chậm; có nhiều vụ án thụ lý đã lâu nhưng người bị kiện vẫn chưa có ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện và chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan cho Tòa án… Tòa án phải giải quyết vụ án trong một thời gian dài hơn hạn luật định, cụ thể Tòa án phải nhiều lượt triệu tập lấy lời khai, yêu cầu cung cấp chứng cứ, tiến hành đủ hai lần đối thoại, hai lần triệu tập xét xử mới có thể xét xử vắng mặt người bị kiện… Việc không tiến hành đối thoại được là một trong những nguyên nhân dẫn đến án dễ bị hủy, sửa vì Thẩm phán không thể nắm bắt hết những mâu thuẫn trong các quyết định hành chính” .

Do đặc thù khác biệt của VAHC là đối tượng khởi kiện thường là các là quyết định hành chính (QĐHC) do phía cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính ban hành một cách đơn phương mà không cần có sự thỏa thuận, đồng ý của phía người khởi kiện. Khi VAHC phát sinh thì người khởi kiện là các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tác động, ảnh hưởng từ QĐHC được ban hành, họ là chủ thể không mang quyền lực Nhà nước . Với tư cách đương sự như vậy nên khi tham gia trong VAHC thì người khởi kiện thường gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ so với phía người bị kiện. Bên cạnh đó một trong những lý do mà phía người khởi kiện gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu thập chứng cứ so với người bị kiện là quy định pháp luật hiện nay về thu thập chứng cứ không phù hợp với thực tiễn diễn ra, vẫn còn có nhiều sự bất cập trong việc thu thập chứng cứ giữa người khởi kiện và người bị kiện. Cụ thể:

Thứ nhất, việc tiếp cận được chứng cứ của phía người bị kiện thuận lợi hơn người khởi kiện

Hiện nay phần lớn các chứng cứ liên quan đến việc ban hành ra các QĐHC hầu hết là do phía người bị kiện nắm giữ như hồ sơ, giấy tờ về nhà đất, trình tự thủ tục ban hành ra QĐHC, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại… nên người bị kiện rất thuận lợi trong việc có chứng cứ để chứng minh. Khi cần chứng minh thì phía người bị kiện chỉ việc lấy những chứng cứ đã có sẳn trong tay mình để nộp cho Tòa án mà không cần phải thu thập chứng cứ. Trên thực tiễn việc thu thập chứng cứ trong VAHC thuờng chỉ do người khởi kiện tiến hành, ít có trường hợp nào mà phía người bị kiện thu thập chứng cứ vì phần lớn chứng cứ đã do chính phía người bị kiện đang lưu giữ, quản lý. 

Thứ hai, quyền thu thập chứng cứ của người bị kiện được thực hiện bằng quyền lực nhà nước

Khi các đương sự trong VAHC đưa ra những yêu cầu mà không có căn cứ kèm theo để chứng minh, thì những yêu cầu đó có thể không được Tòa án chấp nhận, cho nên, các đương sự phải có chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu của mình. Nhưng không phải lúc nào đương sự cũng có sẵn chứng cứ để giao nộp cho Tòa án, nếu không có chứng cứ để giao nộp cho Tòa án, thì đương sự có thể thực hiện quyền thu thập chứng cứ bằng biện pháp thu thập chứng cứ là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án .

Đối với người khởi kiện, để thực hiện được biện pháp thu thập chứng cứ này thì phải làm đơn gửi đến những cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ chứng cứ để trình bày yêu cầu của mình và đề nghị họ cung cấp. Nếu yêu cầu này được chấp nhận, thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ sẽ cung cấp bản photo cho người khởi kiện. Nhưng trong thực tiễn hầu như biện pháp thu thập chứng cứ này của người khởi kiện là không hiệu quả, kết quả mà người khởi kiện nhận được là sự từ chối bằng việc im lặng nhưng “không rõ lý do” của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ, hoặc người khởi kiện nhận được văn bản từ chối cung cấp chứng cứ với lý do là chỉ cung cấp chứng cứ khi có văn bản yêu cầu của Tòa án hoặc là không lưu giữ chứng cứ nên không cung cấp được.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ chứng cứ nhưng không cung cấp cho người khởi kiện xuất phát từ nguyên nhân là họ có thể chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ người bị kiện. Thậm chí, họ là cùng với phía người bị kiện nên họ không dám cung cấp chứng cứ để giúp cho người khởi kiện có chứng cứ để sử dụng “chống lại” người bị kiện. Ví dụ: người khởi kiện tiến hành khởi kiện Quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện X ra Tòa án vì cho rằng phần đất bị thu hồi là loại đất ở nhưng lại tính tiền bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp, người khởi kiện yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường của Ủy ban nhân dân huyện  huyện X đó cung cấp chứng cứ về nguồn gốc đất, hồ sơ pháp lý cấp giấy chứng nhận phần đất, lý do là cần có chứng cứ để chứng minh quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện X là không đúng. Trong trường hợp này, thì Phòng Tài nguyên và Môi trường rất khó có thể cung cấp đầy đủ chứng cứ để cho người khởi kiện có chứng cứ “chống lại”cấp trên của mình. Hơn nữa, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ chứng cứ nhưng không cung cấp cho người khởi kiện thì cũng không bị ảnh hưởng đến quyền lợi, công việc, cũng như không chịu bất cứ chế tài nào ràng buộc, nên họ thoải mái từ chối cung cấp hoặc kéo dài thời gian cung cấp chứng cứ mà không cần có bất cứ lý do nào.

Ngược lại, cũng với biện pháp thu thập chứng cứ này thì người bị kiện vô cùng dễ dàng để có thể có được chứng cứ mà mình mong muốn. Người bị kiện không cần làm đơn yêu cầu cung cấp chứng cứ, cũng không cần đến liên hệ để xin cung cấp chứng cứ, mà chỉ cần có yêu cầu, nhiều khi chỉ yêu cầu bằng miệng thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ cũng sẽ sẳn sàng nhanh chóng thực hiện cung cấp chứng cứ cho người bị kiện. Có việc này xảy ra bởi vì người bị kiện thường là những chủ thể có quyền lực nhà nước. Phạm vi ảnh hưởng của quyền lực nhà nước này không chỉ tác động trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức chịu sự quản lý của người bị kiện, mà còn có sự ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức khác có mối liên kết trong thể chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân mang quyền lực nhà nước với nhau, do đó khi người bị kiện yêu cầu sẽ nhanh chóng được cung cấp đầy đủ chứng cứ. 

Mặc khác trường hợp khi người bị kiện cần tiến hành thu thập chứng cứ thì việc thu thập chứng cứ của họ cũng thể hiện kèm theo gắn liền với quyền hành pháp. Khi người bị kiện là cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc nhân danh cơ quan là Ủy ban nhân dân yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý cung cấp chứng cứ thì cũng mang tính chất mệnh lệnh bắt buộc thi hành nên cũng dễ có được chứng cứ hơn so với người khởi kiện. Do đó phía người bị kiện thuận lợi hơn so với người khởi kiện trong trong việc thu thập chứng cứ và chứng minh cho các yêu cầu của mình. 

Thứ ba, người bị kiện không có sự hợp tác trong việc thu thập chứng cứ với người khởi kiện và với Tòa án

    Trong VAHC thì giữa người khởi kiện và người bị kiện là quyền lợi thường đối trọng với nhau. Thông thường đối với các đương sự thì những tài liệu, chứng cứ nào có lợi cho mình thì sẽ cung cấp, giao nộp cho Tòa án để chứng minh, còn tài liệu, chứng cứ nào bất lợi thì sẽ giấu đi hoặc không cung cấp, giao nộp cho Tòa án, chính vì không có chứng cứ đầy đủ nên Tòa án không nhận định chính xác trong bản án được. Trên thực tế, có rất nhiều những tài liệu, chứng cứ mà người bị kiện đang nắm giữ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án, nhưng người bị kiện không cung cấp chứng cứ, nên người khởi kiện không thể chứng minh cho yêu cầu của mình được và Tòa án cũng không có chứng cứ để có thể làm rõ sự thật của vụ án được.

    Ví dụ: người khởi kiện tiến hành khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính ra Tòa án vì cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính này ban hành không đúng pháp luật, cụ thể là từ ngày bị lập biên bản vi phạm đến ngày ban hành ra quyết định xử phạt là 55 ngày, là hết thời hạn ban hành ra quyết định xử phạt hành chính (vì theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản). Người bị kiện cho rằng vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp nên được gia hạn thêm 30 ngày nữa, nên thời gian tối đa để ban hành quyết định xử phạt hành chính là 60 ngày tính từ ngày lập biên bản , nên ra quyết định xử phạt trong thời hạn 55 ngày là đúng luật. Để chứng minh cho lời trình bày của mình là đúng thì người bị kiện xuất trình văn bản đồng ý cho gia hạn thời gian xử phạt đến 60 ngày. Người khởi kiện phản đối cho rằng, văn bản gia hạn thêm thời gian xử phạt mà người bị kiện cung cấp cho Tòa án là ban hành không đúng sự thật khách quan, mới ban hành sau này ghi lùi lại thời gian để hợp thức cho việc ban hành quyết định xử phạt được gia hạn, chứ vào thời điểm ban hành quyết định xử phạt hoàn toàn không có văn bản đồng ý gia hạn này. Vấn đề quan trọng nhất trong vụ án, đối với người khởi kiện là chứng cứ nào chứng minh nội dung văn bản gia hạn thêm thời gian xử phạt mà người bị kiện cung cấp cho Tòa án được ban hành ghi lùi lại thời gian để hợp thức cho việc ban hành quyết định xử phạt? Chứng cứ có thể chứng minh nội dung như trên là sổ theo dõi số công văn, quyết định do người bị kiện đang giữ, để đối chiếu, so sánh số quyết định, thời hạn ban hành có trùng khớp, phù hợp với quyết định đồng ý gia hạn mà người bị kiện cung cấp cho Tòa án hay không? Để có chứng cứ này, người khởi kiện có thể thu thập bằng cách yêu cầu người bị kiện cung cấp bản photo của sổ theo dõi số quyết định, công văn này. Nếu người bị kiện từ chối cung cấp, thì người khởi kiện có thể đề nghị Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ này . Cho dù người khởi kiện hay Tòa án yêu cầu, thì người bị kiện cũng không chịu cung cấp vì chứng cứ này bất lợi cho người bị kiện. Vì không có chứng cứ chứng minh, nên yêu cầu của người khởi kiện không được Tòa án chấp nhận, người khởi kiện phải chấp nhận “chịu sự thua thiệt” so với người bị kiện.

    Mặc khác, thực trạng hiện nay là người bị kiện không có mặt trong quá trình giải quyết vụ án, “Người bị kiện trong các vụ án hành chính rất ít khi trực tiếp tham gia tố tụng, hoặc có yêu cầu vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng hoặc ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia tố tụng. Trường hợp có ủy quyền thì người ủy quyền là cấp phó cũng xin vắng mặt. Điều này dẫn đến hầu hết các VAHC không tiến hành đối thoại được vì vắng mặt người bị kiện” . Phía người bị kiện cung cấp cho Tòa án giấy ủy quyền, văn bản giải trình về yêu cầu khởi kiện và cử người tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình , còn người bị kiện hoặc người ủy quyền của người bị kiện vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Lời khai của người bị kiện cũng là nguồn chứng cứ , vì người bị kiện vắng mặt nên Tòa án và người khởi kiện không thể thu thập chứng cứ bằng cách hỏi người bị kiện được. Người mà người bị kiện cử đi tham gia tố tụng lại tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị kiện. Luật hiện nay không quy định người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp có nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi của đương sự , cho nên tại phiên tòa, cho dù có những vấn đề chưa rõ ràng, cần phải xác minh thêm thì Hội đồng xét xử và người bị kiện cũng không thể nào hỏi người bị kiện được, nên không thể thu thập thêm được chứng cứ nào từ người bị kiện qua phần xét hỏi. Điều này dẫn đến Tòa án giải quyết VAHC chỉ có thể căn cứ vào chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án trước đó. Tại phiên tòa, người bị kiện vắng mặt nên người khởi kiện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích cho người khởi kiện không thể thu thập chứng cứ, làm rõ những vấn đề liên quan qua việc hỏi người bị kiện. Nhưng ngược lại, phía người bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị kiện lại thực hiện được việc hỏi đối với người khởi kiện để thu thập chứng cứ có lợi cho mình, đây cũng là sự thể hiện sự không bằng nhau trong việc thu thập chứng cứ giữa người khởi kiện và người bị kiện trong VAHC.

    2. Đề xuất, kiến nghị

    Để có thể khắc phục được phần nào sự bất cập trong việc thu thập chứng cứ giữa người khởi kiện và người bị kiện như trên, tác giả kiến nghị cần phải có quy định của pháp luật rõ ràng, đầy đủ về những nội dung sau:

    Thứ nhất: quy định thu thập chứng cứ là trách nhiệm của Tòa án 

Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ . Điều này có thể hiểu là Tòa án chỉ có trách nhiệm “giúp đỡ” đương sự trong việc thu thập chứng cứ. Mà chỉ quy định ở mức độ “hỗ trợ”, hay “giúp đỡ”có nghĩa là có thu thập chứng cứ hay không là còn phụ thuộc hoàn toàn vào sự quyết định của Tòa án. Nếu Tòa án không có thiện chí “hỗ trợ” thu thập chứng cứ thì cũng không quy trách nhiệm được gì cho Tòa án cả. Chỉ khi nào Luật có quy định Tòa án có trách nhiệm phải thu thập chứng cứ thì mới có thể bảo đảm thực hiện được nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hành chính giữa các đương sự với nhau.

Trong tố tụng dân sự, đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trước hết thuộc về phía nguyên đơn là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì quan hệ dân sự là quan hệ riêng tư giữa các bên, do các bên tự quyết định, các bên tự nguyện thỏa thuận xác lập giao dịch với nhau và các bên bình đẳng với nhau, có điều kiện như nhau trong việc nắm giữ và cung cấp chứng cứ. Trong vụ án dân sự Tòa án không có trách nhiệm phải thu thập chứng cứ để làm rõ các tình tiết, sự kiện đương sự đưa ra làm cơ sở cho yêu cầu hay phản đối của họ. Trường hợp Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ thì cũng chỉ mang tính ngoại lệ, hỗ trợ trong trường hợp khách quan đương sự không thể thực hiện được việc thu thập chứng cứ. Chúng tôi cho rằng nếu trong tố tụng hành chính vẫn áp dụng theo quy định, theo nguyên tắc là nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh hoàn toàn thuộc về đương sự, mà trước hết thuộc về phía người khởi kiện giống như trong tố tụng dân sự, thì có thể dẫn đến tình trạng phía người khởi kiện không có khả năng có chứng cứ để chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bởi vì đặc thù của VAHC là phía người khởi kiện luôn là bên “yếu thế” hơn trong việc thu thập chứng cứ và chứng minh so với người bị kiện.

Chính vì vậy Luật Tố tụng hành chính cần quy định Tòa án phải có trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ ngay khi cả phía người khởi kiện không có yêu cầu. Quy định Tòa án phải có trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ là thể hiện được vai trò của Tòa án trong tranh tụng khi xét xử VAHC. Tòa án với trọng trách là chủ thể đưa ra đường lối giải quyết vụ án bằng các phát quyết của mình ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự, sự ổn định xã hội. Cho nên để giải quyết đúng thì Tòa án vẫn phải xác định xem trong VAHC để xác định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của đối tượng khởi kiện thì phải làm rõ những sự kiện, tình tiết nào, các tài liệu, chứng cứ của đương sự và những người tham gia tố tụng khác cung cấp đã đủ để giải quyết vụ án hay chưa, nên Tòa án cũng phải chủ động thu thập chứng cứ để đưa ra các phán quyết chính xác của mình. 

Hơn nữa có quy định Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ trong VAHC là cũng để đạt được mục đích của việc thu thập được chứng cứ. Nếu phía người bị kiện được sử dụng quyền lực hành pháp, quyền lực quản lý hành chính nhà nước trong việc thu thập chứng cứ để dễ dàng có được chứng cứ hơn so với người khởi kiện, thì cần thiết phải có sự can thiệp của Tòa án bằng quyền tư pháp mới giúp cho người khởi kiện được “cân bằng” trong việc thực hiện quyền thu thập chứng cứ trên thực tế. Khi Tòa án nhân danh quyền tư pháp của mình, yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ thì khả năng mới thu thập được chứng cứ, từ đó mới có chứng cứ để giúp cho Tòa án giải quyết VAHC được đúng nhất. 

Do đó, cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 Luật TTHC với nội dung như sau:

“Điều 9. Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính 

2. Tòa án có trách nhiệm tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ để chứng minh các vấn đề trong vụ án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đương sự theo quy định của Luật này”.

    

    Thứ hai: cần quy định việc cung cấp, giao nộp chứng cứ là nghĩa vụ đối với người bị kiện 

    Cần có quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện cũng phải thuộc về phía người bị kiện. Phía người bị kiện hoàn toàn có thể dễ dàng chứng minh được tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện mà mình ban hành là đúng hay sai, vì hầu hết mọi tài liệu, cơ sở, căn cứ để ban hành ra đối tượng khởi kiện là do phía người bị kiện nắm giữ. Người bị kiện nắm giữ chứng cứ có giá trị chứng minh liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án thì người bị kiện phải có nghĩa vụ bắt buộc giao nộp chứng cứ đó cho Tòa án. Do đó, nên buộc phía người bị kiện cũng phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện khi bị khởi kiện. Chứ không thể buộc một mình phía người khởi kiện phải có trách nhiệm phải cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, nếu người khởi kiện không chứng minh được thì bị Tòa án bác yêu cầu. Bởi vì khi người khởi kiện không cung cấp chứng cứ chứng minh được, bị Tòa án bác yêu cầu thì đối tượng khởi kiện cũng chưa chắc là hoàn toàn đúng (vì chứng cứ do người bị kiện nắm giữ không chịu cung cấp nên người khởi kiện không có chứng cứ để cung cấp cho Tòa án để chứng minh được). Ví dụ: người khởi kiện khởi kiện QĐHC, người khởi kiện cho rằng QĐHC sai về thẩm quyền ban hành, thì Tòa án phải buộc người bị kiện có trách nhiệm chứng minh QĐHC mình ban hành đúng thẩm quyền là dựa trên chứng cứ nào? Nếu người bị kiện không chứng minh được thì phải chịu bất lợi về việc không chứng minh được. Việc quy định như trên có thể tạo ra thế “cân bằng” trong việc cung cấp chứng cứ chứng minh giữa người khởi kiện và người bị kiện và giúp Tòa án giải quyết được VAHC chính xác, đúng đắn nhất.

    

Thứ ba: cần có quy định cụ thể điều chỉnh việc xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án trong tố tụng hành chính

    Hành vi từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng được xem là hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính . Nếu cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức vi phạm tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật . Để có thể thi hành được chế tài là xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm thì theo chúng tôi phải có quy định cụ thể, rõ ràng những vấn đề sau:

    (1) Về xử lý kỷ luật

    Vì đối tượng khởi kiện của VAHC là các QĐHC, phần lớn các tài liệu, chứng Tòa án cứ cần thu thập là do phía cơ quan hành chính Nhà nước quản lý, lưu giữ. Cho nên quy định chế tài là xử lý kỷ luật nếu cán bộ, công chức không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ là hoàn toàn phù hợp với thực tế và đúng đối tượng.

- Về đối tượng bị xử lý kỷ luật: cá nhân cán bộ, công chức không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ. Nếu cơ quan, tổ chức không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị xử lý kỷ luật.

- Về hình thức, nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bị xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức: tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra thì người có thẩm quyền xử lý có thể áp dụng một trong các hình thức xử lý là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm nếu người vi phạm là cán bộ. Nếu đối tượng bị xử lý là công chức thì có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử lý là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Tuy nhiên để người có thẩm quyền có thể xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức về hành vi này một cách công bằng, nhanh chóng, phù hợp, bảo tính hiệu quả trong việc xử lý vi phạm về cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án thì phải có văn bản hướng dẫn rõ ràng về đánh giá mức độ hậu quả do hành vi vi phạm của cán bộ, công chức gây ra, để làm căn cứ xử phạt. Về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật công chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với công chức. Còn đối với cán bộ thì được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm . Tuy nhiên về căn cứ, trình tự, thẩm quyền xử phạt phải có quy định phù hợp với đặc điểm đối tượng vi phạm về hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án.

(2) Về truy cứu trách nhiệm hình sự 

Truy cứu trách nhiệm hình sự là biện pháp xử lý vi phạm nghiêm khắc nhất trong số các biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ. Tùy vào mức độ, biểu hiện của dạng hành vi, tương ứng với hành vi này có thể thuộc một trong các tội danh được quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382), Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 383), Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu (Điều 384). 

Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức thì pháp luật cần có quy định người đứng đầu, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cán bộ, công chức có hành vi vi phạm cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ, công chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. 

Tuy nhiên cũng cần có văn bản hướng dẫn, quy định rõ ràng, phân biệt được rạch ròi của hành vi vi phạm với mức độ vi phạm nào sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật và mức độ nguy hiểm, hậu quả xảy ra như thế nào là đủ truy cứu trách nhiệm hình sự, từ đó để người có thẩm quyền có căn cứ áp dụng được thống nhất. 

Số điện thoại