1. Khái quát về thực trạng của việc xác minh, thu thập chứng cứ của VKS trong việc kháng nghị bản án sơ thẩm của Tòa án trong VAHC.
Đối với chức năng thứ nhất và thứ hai thì VKS thực hiện trong quá trình Tòa án đang giải quyết VAHC (kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án). Trong giai đoạn này thì những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ VAHC là do đương sự trong vụ án thu thập, cung cấp cho Tòa án; hoặc do Thẩm phán tiến hành tự thu thập; hoặc Tòa án thu thập khi có yêu cầu, đề nghị của đương sự hoặc của VKS. Còn thời điểm VKS thực hiện chức năng thứ ba là sau khi đã có bản án sơ thẩm của Tòa án, lúc này đương sự và Tòa án cấp sơ thẩm đã kết thúc việc xác minh, thu thập chứng cứ.
Trường hợp VKS không đồng ý với bản án sơ thẩm thì VKS có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm, VKS có thể xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc kháng nghị . Như vậy VKS có thể thực hiện quyền xác minh, thu thập chứng cứ bằng cách yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để thực hiện việc kháng nghị trong các trường hợp sau:
- Thứ nhất, đó là VKS thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng để đảm bảo thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm . Trường hợp này là mới có bản án sơ thẩm và VKS chưa tiến hành kháng nghị bản án. VKS cho rằng trong vụ án còn những nội dung chưa được làm rõ, với những chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án trước đó thì cũng chưa đủ giá trị chứng minh, chưa làm sáng tỏ được hết những vấn đề liên quan trong vụ án. Lúc này VKS sẽ tự mình xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ thêm những vấn đề cần chứng minh trong vụ án. Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, vật chứng thu thập được VKS sẽ đánh đánh giá chứng cứ, xem xét giá trị chứng minh của các chứng cứ này để từ đó VKS sẽ quyết định là có tiến hành việc kháng nghị bản án sơ thẩm hay không.
- Thứ hai, đó là sau khi đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, VKS có quyền thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo vệ quan điểm kháng nghị của VKS tại phiên tòa phúc thẩm . Trường hợp này sau khi đã có bản án sơ thẩm và VKS cũng đã ban hành quyết định kháng nghị đối với bản án sơ thẩm này. Để chứng minh cho Tòa án phúc thẩm việc kháng nghị của mình là có cơ sở, có căn cứ thì VKS tiến hành thu thập thêm chứng cứ. VKS sẽ sử dụng giá trị chứng minh của chứng cứ thu thập được để làm nền tảng, củng cố thêm cho những quan điểm kháng nghị của mình.
Trong VAHC thì chứng cứ có thể được thu thập, cung cấp bởi đương sự trong vụ án hoặc do Tòa án, VKS tiến hành xác minh, thu thập. Trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi Tòa án ban hành bản án sơ thẩm thì việc xác minh, thu thập chứng cứ để chứng minh những vấn đề liên quan trong vụ án chủ yếu là do đương sự hoặc Tòa án tiến hành. Trong giai đoạn này nếu VKS cho rằng cần phải thu thập thêm chứng cứ để chứng minh những vấn đề chưa rõ ràng trong vụ án thì VKS cũng phải thông qua Tòa án bằng cách yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ .
Có thể nói giai đoạn thực hiện việc kháng nghị là thời điểm để VKS thể hiện sự độc lập, chủ động hoàn toàn của mình trong việc xác minh, thu thập chứng cứ trong VAHC. Trong giai đoạn này quyền xác minh, thu thập chứng cứ của VKS được thể hiện nổi trội, vượt bậc nhất trong suốt quá trình tố tụng. Trong giai đoạn từ khi Tòa án sơ thẩm đã ban hành bản án sơ thẩm, nhưng bản án sơ thẩm bị kháng nghị, cho tới khi vụ án được Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì toàn bộ quá trình xác minh, thu thập chứng cứ của đương sự, Tòa án bị tạm ngưng. Lúc này chỉ chủ thể duy nhất được tiếp tục thực hiện việc xác minh, thu thập chứng cứ là VKS.
Khi con đường xác minh, thu thập chứng cứ của đương sự, Tòa án tạm thời đóng lại thì vẫn còn con đường khác cho VKS tiếp tục thực công việc này. Luật quy định như vậy là rất khoa học và cần thiết, bởi vì cần phải làm sáng tỏ toàn bộ những vấn đề liên quan trong vụ án thông qua chứng cứ, chứng cứ này cần phải được xác minh, thu thập một cách liên tục trong suốt quá trình tố tụng từ khi Tòa án thụ lý vụ án cho đến khi vụ án kết thúc bằng bản án có hiệu lực thi hành.
Trên thực tiễn, nhận thấy việc xác minh, thu thập chứng cứ của VKS trong việc thực hiện việc kháng nghị bản án sơ thẩm cũng còn tồn đọng những bất cập, gây khó khăn cho VKS thực hiện công việc này của mình:
a) Hạn chế các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ của VKS
Trong VHAC đương sự được quyền tự mình thu thập chứng cứ bằng tám biện pháp: thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử; thu thập vật chứng; xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ án mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người là chứng; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản; yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật .
Thẩm phán cũng có thể tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ bằng tám biện pháp: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng; xem xét, thẩm định tại chỗ; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản; ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án; biện pháp khác theo quy định của Luật này .
Thế nhưng đối với VKS thì luật chỉ quy định cho VKS được thực một biện pháp duy nhất để xác minh, thu thập chứng cứ thực hiện cho việc kháng nghị bản án sơ thẩm, đó là VKS chỉ được yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng . Tức là VKS biết rằng những chứng cứ này đã có sẵn và biết rõ là cá nhân, cơ quan, tổ chức nào đang quản lý, lưu giữ chứng cứ này. VKS yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ đó phải cung cấp cho VKS.
Tuy nhiên tùy thuộc vào nội dung chứng minh thì chứng cứ trong hồ sơ vụ án được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, muốn có được chứng cứ đó cũng phải thu thập bằng nhiều biện pháp khác nhau chứ không phải chỉ duy nhất là yêu cầu đương sự giao nộp chứng cứ.
Ví dụ: đương sự khởi kiện VAHC yêu cầu hỗ trợ, bồi thường thêm những tài sản khác đang có trên đất (giếng nước, ao cá…) khi nhà nước thu hồi đất nhưng yêu cầu này không được Tòa án chấp nhận. VKS đề nghị những tài sản này là tài sản hợp pháp của người dân, trên đất thu hồi có tài sản thực tế, tài sản này phải được hỗ trợ khi thu hồi đất nhưng Tòa án cũng không chấp nhận đề nghị này của VKS. VKS cho rằng Tòa án giải quyết như vậy là không đúng nên đã kháng nghị bản án sơ thẩm. Để có chứng cứ chứng minh cho việc kháng nghị của mình là có căn cứ, hợp lý thì VKS thấy cần phải tiến hành xuống xem xét thẩm định tại chỗ đối với tài sản nằm trên phần đất này. Nhưng biện pháp thu thập chứng cứ bằng biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ luật không quy định cho VKS được phép thực hiện, cho nên KVS không thể nào tự mình có thể thu thập được chứng cứ này để sử dụng cho việc kháng nghị của mình.
Cùng với Tòa án thì VKS cũng là cơ quan tiến hành tố tụng trong VAHC , căn cứ vào chứng cứ của vụ án thì VKS được quyền đưa ra ý kiến, đề nghị với Tòa án giải quyết cả về nội dung vụ án nhưng luật quy định chỉ cho phép VKS thực hiện xác minh, thu thập chứng cứ bằng một biện pháp duy nhất yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ đó phải cung cấp cho VKS như vậy là quá hẹp, làm “trói tay” VKS trong việc xác minh, thu thập chứng cứ.
b) Chưa quy định cụ thể hình thức xác minh, thu thập chứng cứ của VKS
Khi cần xác minh, thu thập chứng cứ thì VKS sẽ ban hành văn bản gởi đến cá nhân, cơ quan, tổ chức để yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình hồ sơ, tài liệu, vật chứng, trong văn bản, nêu rõ hồ sơ, tài liệu, vật chứng cần cung cấp . Như vậy hình thức xác minh, thu thập chứng cứ của VKS phải thể hiện dưới hình thức là bằng văn bản.
Trong các chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS trong VAHC thì có kiểm tra tính hợp pháp của các quyết định (cả về hình thức và nội dung) của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tố tụng. Để thực hiện tốt chức năng kiểm tra của mình thì đòi hỏi trước hết bản thân VKS phải ban hành văn bản đúng, chuẩn mực về hình thức. Nhưng luật quy định chưa rõ ràng, chỉ ghi chung chung là khi tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ VKS phải ban hành văn bản, nhưng văn bản thể hiện dưới hình thức cụ thể nào (quyết định, thông báo, công văn…) thì lại không quy định rõ do đó không có căn cứ để VKS thực hiện được chuẩn xác nhất.
c) Chưa có quy định về biện pháp xử lý khi cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của VKS
Cá nhân, cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của VKS trong thời hạn 15 ngày, từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của VKS thì phải gởi cho VKS văn bản nêu rõ lý do .
Không phải lúc nào yêu cầu cung cấp chứng cứ của VKS cũng được cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện đúng. Có trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện cung cấp chứng cứ hoặc cung cấp chứng cứ không đầy đủ hoặc là cung cấp chứng cứ không đúng thời hạn theo yêu cầu của VKS. Nếu người nào mà có hành vi từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ cho VKS mà không có lý do chính đáng thì hành vi đó phải được xem là hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của VKS. Thế nhưng hiện nay trong Luật tố tụng hành chính không có quy định bất kỳ biện pháp xử lý nào nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của VKS, cho nên dẫn đến việc xác minh, thu thập chứng cứ của VKS không được thực hiện hiệu quả trên thực tế.
d) Chưa có quy định VKS phải nộp chứng cứ thu thập được cho Tòa án cấp sơ thẩm hay phúc thẩm và chưa có quy định VKS phải gởi chứng cứ thu thập được cho các đương sự trong vụ án.
Chứng cứ do đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp cho VKS theo yêu cầu của VKS được chuyển giao cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án . Như vậy khi Tòa án đã xét xử ban hành bản án sơ thẩm xong, bản án sơ thẩm đã bị VKS kháng nghị, VKS thu thập được chứng cứ mới trong quá trình kháng nghị thì VKS phải chuyển giao chứng cứ thu thập được cho Tòa án.
Vấn đề đặt ra là VKS chuyển giao chứng cứ cho Tòa án cấp sơ thẩm hay Tòa án cấp phúc thẩm. Lúc này có thể xảy ra một số trường hợp sau: Thứ nhất, đó là VKS thu thập được chứng cứ khi Tòa án cấp sơ thẩm chưa gởi hồ sơ vụ án, kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Thứ hai, đó là VKS thu thập được chứng cứ khi Tòa án cấp sơ thẩm đã gởi hồ sơ vụ án, kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Lúc này VKS sẽ chuyển giao chứng cứ cho Tòa án cấp sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm gởi chứng cứ VKS giao nộp lên cho Tòa án cấp phúc thẩm. Hay là VKS chuyển giao trực tiếp chứng cứ thu thập được cho Tòa án cấp phúc thẩm, vấn đề này luật cũng chưa có quy định rõ ràng nên không áp dụng được thống nhất.
Mặc khác chứng cứ mà VKS thu thập được sử dụng vào việc kháng nghị bản án sơ thẩm sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi của một trong các đương sự trong vụ án. Trong VAHC khi bản án của Tòa án được ban hành sẽ có một bên “thắng” và một bên “thua”. Yêu cầu kháng nghị của VKS có thể có lợi cho bên “thắng” hoặc bên “thua” đó.
Trình tự tại giai đoạn xét xử phúc thẩm của VAHC không còn tiến hành đối thoại, công khai chứng cứ nữa do đó để đảm bảo công bằng trong tố tụng giữa các đương sự trong việc được biết được đầy đủ chứng cứ của vụ án là rất cần thiết. Luật chỉ quy định khi VKS thu thập được chứng cứ thì chuyển giao chứng cứ cho Tòa án nhưng không quy định trách nhiệm của VKS cũng phải giao chứng cứ thu thập được cho các đương sự trong vụ án biết. Do đó đương sự khi tham gia phiên tòa phúc thẩm không thể biết trước được chứng cứ của VKS thu thập, không kịp chuẩn bị trước để “phản biện” lại với nội dung chứng minh của chứng cứ do VKS thu thập để bảo vệ quyền lợi cho mình.
2. Đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục vấn đề như trên cần phải có văn bản pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể, đầy đủ về những vấn đề sau:
- Quy định thêm các biện pháp tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ của VKS như xem xét, thẩm định tại chỗ; Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ…
- Khi VKS ban hành văn bản để xác minh, thu thập chứng cứ thì văn bản đó phải dưới hình thức là quyết định.
- Quy định chế tài xử lý đối với hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của VKS. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đã bị xử lý nhưng vẫn cố tình không chịu giao nộp, cung cấp chứng cứ thì cũng phải có quy định về cách thức, biện pháp thực hiện cưỡng chế để VKS có thể có được chứng cứ hợp pháp làm căn cứ cho việc giải quyết được vụ án được đúng đắn.
- Quy định sau khi đã kháng nghị bản án sơ thẩm mà VKS mới thu thập được chứng cứ thì VKS phải chuyển giao chứng cứ thu thập cho Tòa án cấp phúc thẩm. Khi VKS thu thập được chứng cứ thì VKS phải gởi chứng cứ thu thập được cho cả Tòa án và cho các đương sự trong vụ án biết.