1. Quy định của pháp luật về thu thập chứng cứ của đương sự trong tố tụng hành chính
Các đương sự trong vụ án hành chính (VAHC) bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan . Họ là người phải chịu ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa án nên khi tham gia vụ án họ có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp .
Nếu những chứng cứ do chính đương sự án nắm giữ, quản lý thì họ tiến hành giao nộp cho Tòa án để thực hiện việc chứng minh của mình. Tuy nhiên có những tài liệu, chứng cứ khác cũng có giá trị chứng minh những nội dung liên quan trong vụ án nhưng đương sự không sẵn có hoặc đương sự không có lưu giữ mà do cá nhân, cơ quan, tổ chức khác quản lý, lưu giữ thì đương sự phải chủ động thu thập để có chứng cứ cung cấp cho Tòa án. Trong VAHC đương sự được thu thập chứng cứ thông qua những trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Đương sự thu thập chứng cứ từ chính mình.
Có những tài liệu, chứng cứ do chính đương sự quản lý, lưu giữ nên khi cần chứng minh cho yêu cầu của mình thì đương sự thu thập chứng cứ để cung cấp cho Tòa án. Ví dụ như trong vụ kiện yêu cầu tính tiền bồi thường về đơn giá đất ở, được hưởng suất tái định cư trong quyết định thu hồi đất thì phía người khởi kiện thu thập lại những giấy tờ về phần đất bị thu hồi như hồ sơ đăng ký sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, các biên lai đóng thuế trong quá trình sử dụng đất, sổ hộ khẩu các thành viên trong hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thu hồi đất. Hoặc đương sự chụp hình, quay video lại toàn bộ tài sản có trên đất trước khi bị cưỡng chế để làm căn cứ khởi kiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Trường hợp 2: Đương sự thu thập chứng cứ từ đương sự khác trong cùng vụ án.
Khi một trong các bên đương sự trong vụ án thấy những chứng cứ liên quan đến việc chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc để làm rõ những vấn đề khác liên quan trong vụ án nhưng do phía đương sự khác đang quản lý, lưu giữ thì có quyền yêu cầu đương sự khác đang quản lý, lưu giữ chứng cứ đó cung cấp. Đương sự bị yêu cầu cung cấp chứng cứ có thể thực hiện việc cung cấp chứng cứ cho chính đương sự yêu cầu hoặc cung cấp cho Tòa án đang giải quyết vụ án. Việc thu thập chứng cứ thuộc trường hợp này của đương sự diễn ra qua việc các đương sự thực hiện việc tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ. Đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án .
Việc thu thập chứng cứ này cũng có thể diễn ra qua việc các đương sự thực hiện qua phần xét hỏi khi Tòa án xét xử vụ án. Khi tham gia xét xử tại phiên tòa thì đương sự có quyền là đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác . Lời trình bày, lời khai của đương sự này khi trả lời câu hỏi tại phiên tòa cho đương sự khác cũng được xác định là chứng cứ . Các đương sự là người biết rõ hơn ai hết những tình tiết, nội dung, nguyên nhân, diễn biến của vụ án cho nên lời khai của họ giúp làm rõ những vấn đề liên quan trong việc giải quyết vụ án, giúp cho Tòa án có thêm cơ sở, chứng cứ nhận định chính xác về vụ án.
Trường hợp 3: Đương sự thu thập chứng cứ từ những người tham gia tố tụng khác.
Đương sự họ là người phải chịu ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa án nên khi tham gia vụ án họ có quyền tranh luận tại tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để chứng minh cho những yêu cầu hay việc phản đối yêu cầu của mình đối với người khác là có căn cứ và đúng pháp luật. Các đương sự khi tham gia trong VAHC họ có thể tự bảo vệ, nhờ Luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình . Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được xem là người tham gia tố tụng hành chính .
Như vậy khi có yêu cầu của đương sự thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự . Để có thể bảo vệ được cho các yêu cầu của đương sự thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để chứng minh cho các yêu cầu của đương sự mà mình bảo vệ là có căn cứ và hợp pháp. Để có thể thu thập được chứng cứ thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật. Đó là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án và đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án . Việc hỏi tại phiên tòa cũng là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ cực kỳ hiệu quả của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thông qua việc đặt câu hỏi và nghe những người được hỏi trả lời thì đương sự sẽ củng cố vững chắc hơn quan điểm tranh luận, lập luận của mình cũng như làm sáng tỏ những điểm còn mâu thuẫn trong lời khai, lời trình bày của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, từ đó người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ tốt được cho đương sự của mình.
Ngoài ra trong trường hợp này đương sự cũng có thể thu thập được chứng cứ qua việc lấy xác nhận của người làm chứng . Người làm chứng cũng được xem là người tham gia tố tụng hành chính . Người làm chứng là người biết, chứng kiến những tình tiết, sự kiện, thông tin liên quan đến vụ án mà Tòa án đang thụ lý giải quyết. Thông qua lời khai của người làm chứng có thể cho biết thêm về tình tiết của vụ án, nhiều thông tin có giá trị chứng minh cho yêu cầu của đương sự. Ví dụ người khởi kiện nhờ người làm chứng làm văn bản trình bày về nội dung người khởi kiện chính là người trực tiếp sử dụng đất, có trồng cây, xây dựng công trình trên phần đất bị thu hồi. Lời khai người làm chứng được coi là hợp pháp khi lập thành văn bản và có chứng thực chữ ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã,
Trường hợp 4: Đương sự thu thập chứng cứ từ cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trong quá trình tham gia tố tụng giải quyết VAHC, nếu đương sự thấy có những tài liệu, chứng cứ quan trọng cần phải có để làm căn cứ giải quyết vụ án được chính xác nhưng do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang lưu giữ, quản lý thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình tài liệu, chứng cứ để giao nộp cho Tòa án . Để thực hiện được biện thu thập chứng cứ bằng biên pháp này thì đương sự đến liên hệ, trình bày hoặc gởi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân nhờ họ cung cấp chứng cứ. Nếu thu thập được chứng cứ thì đương sự sẽ giao nộp chứng cứ thu thập được cho Tòa án.
Ngoài ra trong trường hợp này đương sự cũng có thể thu thập được chứng cứ qua việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật . Trong một số trường hợp các công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện có thể giúp cho đương sự thu thập được chứng cứ, có giá trị chứng minh quan trọng cần thiết trong VAHC. Để đương sự thu thập được chứng cứ này thì phải tìm được nguồn chứng cứ chứa đựng chứng cứ này. Đương sự có thể thu thập từ nguồn chứng cứ là văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ . Hiện nay trên thực tế thì văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập được thể hiện dưới hình thức là vi bằng. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật . Thừa phát lại là chủ thể duy nhất có quyền lập vi bằng, những tình tiết, sự kiện cần lập vi bằng thể hiện sự phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và Thừa phát lại được quyền lập vi bằng trên phạm vi toàn quốc. Vi bằng được lập trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa người muốn lập vi bằng và Trưởng văn phòng thừa phát lại về nội dung, địa điểm, thời gian, chi phí, cách thức, nội dung lập vi bằng. Vi bằng được xem là chứng cứ khi được lập đúng trình tự thủ tục theo quy định. Ví dụ: ông A bị Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế về hành vi xây dựng công trình trái phép. Nếu thực hiện cưỡng chế xong, thì tài sản bị cưỡng chế là công trình xậy dựng sẽ bị tháo gỡ, phá bỏ, không còn hiện trạng nữa, cho nên ông A yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lại toàn bộ hiện trạng tài sản trước khi bị thực hiện cưỡng chế. Vi bằng do Thừa phát lại lập nên ông A có thể dùng làm căn cứ để khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông A nếu Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế về hành vi xây dựng công trình trái phép trái pháp luật hoặc thực hiện hành vi cưỡng chế trái pháp luật.
Trường hợp 5: Đương sự đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ.
Khi đương sự đã chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết trong khả năng và cũng đã làm hết sức mình nhưng vẫn không thu thập được chứng cứ thì lúc này đương sự có quyền đề nghị Tòa án hỗ trợ giúp mình để thu thập chứng cứ . Tuy nhiên, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự , theo pháp luật tố tụng hành chính Việt nam chỉ có tính tương đối. Điều đó có nghĩa là việc thụ lí, giải quyết VAHC không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào việc cung cấp chứng cứ của đương sự. Tòa án vẫn thụ lí, giải quyết VAHC trong trường hợp đương sự đã nổ lực áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ nhưng không thể có được chứng cứ để cung cấp cho Tòa án . Khi nhận đơn đề nghị thu thập chứng cứ của đương sự thì Tòa án sẽ thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật để thu thập được chứng cứ theo yêu cầu của đương sự. Tòa án chỉ có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ . Tòa án không có trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc phải chủ động thu thập chứng cứ để chứng minh cho phía đương sự. Nghĩa vụ thu thập chứng chứng cứ và chứng minh trong VAHC trước hết vẫn thuộc về đương sự. Điều này có thể hiểu là trách nhiệm của Tòa án chỉ mang tính chất hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ khi đương sự không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ và phải có yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ.
Để đương sự có thể thực hiện việc thu thập chứng cứ qua các trường hợp trên thì đương sự có thể thu thập chứng cứ bằng các biện pháp là thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử; thu thập vật chứng; xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ án mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản; yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật .
Tùy thuộc vào từng nội dung cần chứng minh trong VAHC thì chứng cứ trong hồ sơ vụ án được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, đương sự muốn có được chứng cứ đó cũng phải thu thập bằng nhiều biện pháp khác nhau mới thu thập được chứng cứ cần thiết. Ví dụ: người khởi kiện muốn có chứng cứ chứng minh giá trị thiệt hại cho số lượng tang vật là quần áo bị tạm giữ trong vụ kiện yêu cầy huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người khởi kiện có thể thu thập chứng cứ bằng biện pháp yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản. Đồng thời để chứng cứ mà đương sự thu thập được có giá trị chứng minh, đủ điều kiện sử dụng để làm căn cứ giải quyết trong VAHC thì bắt buộc việc thu thập chứng cứ thông qua các biện pháp phải tiến hành đúng trình tự thủ tục Luật Tố tụng hành chính quy định để bảm bảo được tính hợp pháp của chứng cứ.
2. Thực trạng thu thập chứng cứ của các đương sự trong tố tụng hành chính
2.1. Giữa người khởi kiện và người bị kiện không bình đẳng với nhau trong việc thu thập chứng cứ.
Do đặc thù khác biệt của VAHC là đối tượng khởi kiện thường là các là quyết định hành chính (QĐHC). Các QĐHC này do phía cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước ban hành một cách đơn phương mà không cần có sự thoả thuận, đồng ý của phía người khởi kiện. Khi VAHC phát sinh thì người khởi kiện là các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tác động, ảnh hưởng từ QĐHC được ban hành, họ là chủ thể không mang quyền lực Nhà nước . Còn người bị kiện sẽ là cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước đã ban hành ra QĐHC đó . Với tư cách đương sự như vậy nên khi gia trong VAHC trên thực tiễn thì người khởi kiện không thể có được sự bình đẳng, ngang bằng nhau trong việc thu thập chứng cứ so với phía người bị kiện. Thể hiện:
Thứ nhất, Việc tiếp cận được chứng cứ của phía người bị kiện thuận lợi hơn người khởi kiện.
Hiện nay phần lớn các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc ban hành ra các QĐHC hầu hết là do phía người bị kiện nắm giữ như hồ sơ, giấy tờ về nhà đất, trình tự thủ tục ban hành ra QĐHC, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, giấy tờ về quyền sở hữu tài sản... nên người bị kiện rất thuận lợi trong việc có chứng cứ để chứng minh. Khi cần chứng minh thì phía người bị kiện chỉ việc lấy những tài liệu, chứng cứ đã có sẳn trong tay mình để nộp cho Tòa án mà không cần phải thu thập chứng cứ. Trên thực tiễn việc thu thập chứng cứ trong VAHC chỉ do người khởi kiện tiến hành, ít có trường hợp nào mà phía người bị kiện thu thập chứng cứ vì phần lớn chứng cứ đã do chính phía người bị kiện đang lưu giữ, quản lý.
Thứ hai, Trình độ pháp lý giữa người khởi kiện và người bị kiện là không bằng nhau.
Trong VAHC, khi người khởi kiện cho rằng các QĐHC do phía người bị kiện ban hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì phía người khởi kiện trước hết phải chứng minh được những nội dung thể hiện tính bất hợp pháp của QĐHC đó. Đối với phía người khởi kiện với trình độ pháp lý còn hạn chế nên không thể nhận biết được để chứng minh tính bất hợp pháp của QĐHC thì cần phải có tài liệu, chứng cứ nào? Chính vì không thể nhận biết được tài liệu, chứng cứ nào cần có để chứng minh nên người khởi kiện không biết để có thể thu thập. Mặc khác, người khởi kiện cũng khó có thể nhận biết được các vấn đề liên quan đến chứng cứ như để chứng minh bất hợp pháp của QĐHC thì cần sử dụng chứng cứ nào là quan trọng và chứng cứ nào không quan trọng, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đủ chứng minh cho các yêu cầu khởi kiện của mình chưa hay cần phải thu thập thêm, nếu thu thập thì thu thập ở chỗ nào? Chính vì không am hiểu về cách nhận biết chứng cứ và không có chứng minh để chứng minh nên yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện thường không được Tòa án chấp nhận.
Ngược lại, đối với phía người bị kiện là người quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ban hành ra QĐHC, họ có đội ngũ am hiểu pháp luật chuyên sâu để tham mưu, tư vấn để ban hành ra QĐHC, họ cũng hoàn toàn hiểu rõ, nắm bắt được cụ thể các thông tin về tài liệu chứng cứ có giá trị chứng minh trong vụ án. Vì phía người bị kiện họ biết cách sử dụng chứng cứ để chứng minh một cách hiệu quả, nên các yêu cầu của người bị kiện thường được Tòa án chấp nhận cao hơn so với các yêu cầu của phía người khởi kiện.
Thứ ba, Quyền thu thập chứng cứ của người bị kiện được thực hiện bằng quyền lực của nhà nước.
Đối với phía người khởi kiện khi cần thu thập chứng cứ bằng biện pháp là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án , thì người khởi kiện phải làm đơn gởi đến những cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ chứng cứ để trình bày yêu cầu của mình và đề nghị họ cung cấp. Nếu yêu cầu này được chấp nhận thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ sẽ cung cấp bản photo cho phía người khởi kiện. Nhưng trên thực tiễn hầu như biện pháp thu thập chứng cứ này của phía người khởi kiện là không hiệu quả, kết quả mà người khởi kiện nhận được là sự từ chối bằng việc im lặng nhưng “không rõ lý do” của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ. Hoặc người khởi kiện chỉ nhận được văn bản từ chối cung cấp chứng cứ với lý do là chỉ cung cấp chứng cứ khi có văn bản yêu cầu của Tòa án hoặc là không có lưu giữ chứng cứ nên không cung cấp được.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ chứng cứ nhưng không chịu cung cấp cho phía người khởi kiện xuất phát từ nguyên nhân là họ có thể chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ phía người bị kiện. Thậm chí họ là cùng phía với phía người bị kiện nên họ không dám cung cấp chứng cứ để giúp cho phía người khởi kiện có chứng cứ để sử dụng “chống lại” phía người bị kiện. Ví dụ: người khởi kiện tiến hành khởi kiện QĐHC thu hồi đất của UBND huyện X ra Tòa án. Người khởi kiện làm đơn yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường của UBND huyện X đó cung cấp chứng cứ về nguồn gốc đất, hồ sơ pháp lý cấp giấy chứng nhận phần đất, lý do để thu thập chứng cứ là để chứng minh quyết định thu hồi đất của UBND huyện X là không đúng, thì thử hỏi Phòng Tài nguyên và Môi trường của UBND huyện X đó có dám cung cấp chứng cứ cho người khởi kiện để chống lại cấp trên của mình hay không? Hơn nữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ chứng cứ nhưng không chịu cung cấp cho phía người khởi kiện vì việc họ không cung cấp chứng cứ thì cũng không bị ảnh hưởng đến quyền lợi, công việc cũng như không chịu bất cứ chế tài nào ràng buộc nên họ thoải mái từ chối cung cấp hoặc kéo dài thời gian cung cấp chứng cứ mà không cần có bất cứ lý do nào cả.
Ngược lại, cũng với biện pháp thu thập chứng cứ này thì phía người bị kiện vô cùng dễ dàng để có thể có được chứng cứ mà mình mong muốn. Phía người bị kiện chẳng cần làm đơn yêu cầu cung cấp chứng cứ, cũng chẳng cần đến liên hệ để xin cung cấp chứng cứ mà chỉ cần có yêu cầu, nhiều khi chỉ yêu cầu bằng miệng là thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ cũng sẽ sẳn sàng nhanh chóng thực hiện cung cấp chứng cứ cho phía người bị kiện. Có việc này xảy ra bởi vì người bị kiện thường là cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước, họ là những chủ thể có quyền lực Nhà nước. Phạm vi ảnh hưởng của quyền lực nhà nước này không chỉ tác động trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức chịu sự quản lý của phía người bị kiện mà còn có sự ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức khác có mối liên kết trong thể chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân mang quyền lực nhà nước với nhau, do đó khi phía người bị kiện yêu cầu sẽ nhanh chóng được cung cấp đầy đủ chứng cứ.
Trường hợp khi người bị kiện cần tiến hành thu thập chứng cứ thì việc thu thập chứng cứ của họ cũng thể hiện kèm theo gắn liền với quyền hành pháp. Khi người bị kiện là cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc nhân danh cơ quan là Ủy ban nhân dân yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý cung cấp chứng cứ thì cũng mang tính chất mệnh lệnh bắt buộc thi hành nên cũng dễ có được chứng cứ hơn so với người khởi kiện. Sự bất bình đẳng này dẫn đến người khởi kiện không có chứng cứ để chứng minh, cho nên rất khó để có thể người khởi kiện có thể thắng được phía người bị kiện khi tham gia trong các VAHC.
Thứ tư, Phía người bị kiện không có sự hợp tác trong việc thu thập chứng cứ với người khởi kiện và với Tòa án.
Giữa người khởi kiện và người bị kiện là quyền lợi đối trọng với nhau. Thông thường đối với các đương sự thì những tài liệu, chứng cứ nào có lợi cho mình thì sẽ cung cấp giao nộp cho Tòa án để chứng minh, còn tài liệu, chứng cứ nào bất lợi thì sẽ giấu đi hoặc không chịu cung cấp, giao nộp cho bên kia hoặc cho Tòa án, chính vì không có chứng cứ đầy đủ nên Tòa án không nhận định chính xác trong bản án được. Trên thực tế, có rất nhiều những tài liệu, chứng cứ mà phía người bị kiện đang nắm giữ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án nhưng phía người bị kiện không chịu cung cấp chứng cứ nên phía người khởi kiện không thể chứng minh cho yêu cầu của mình được và Tòa án cũng không có chứng cứ để có thể làm rõ sự thật của vụ án được.
Mặc khác, thực trạng hiện nay là phía người bị kiện không có mặt trong quá trình giải quyết vụ án. Phía người bị kiện cung cấp cho Tòa án giấy ủy quyền, văn bản giải trình về yêu cầu khởi kiện và cử người tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình . Còn người bị kiện hoặc người ủy quyền của phía người bị kiện làm đơn xin vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Lời khai của người bị kiện cũng là nguồn chứng cứ , vì người bị kiện vắng mặt nên Tòa án và phía người khởi kiện không thể thu thập chứng cứ bằng cách hỏi phía người bị kiện được. Người mà phía người bị kiện cử đi tham gia tố tụng lại tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phía người bị kiện. Luật hiện nay không quy định người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp có nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi của đương sự . Cho nên tại phiên tòa cho dù có những vấn đề chưa rõ ràng, cần phải xác minh thêm thì phía Tòa án và phía người khởi kiện cũng không thể nào hỏi phía người bị kiện được, nên không thể thu thập thêm được chứng cứ nào từ phía người bị kiện qua phần xét hỏi được nữa. Điều này dẫn đến Tòa án giải quyết VAHC chỉ căn cứ vào chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án trước đó, điều này là hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần cải cách tư pháp của nước ta. Tại phiên tòa người bị kiện vắng mặt nên người khởi kiện không thể thu thập chứng cứ, làm rõ những vấn đề liên quan qua việc hỏi người bị kiện. Nhưng ngược lại, phía người bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị kiện lại có quyền và thực hiện được việc hỏi đối với phía người khởi kiện để thu thập chứng cứ có lợi cho phía mình, đây cũng là sự thể hiện bất bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ giữa người khởi kiện và người bị kiện trong VAHC.
2.2. Chưa có quy định rõ ràng và đầy đủ về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của đương sự.
Luật Tố tụng hành chính chỉ dừng lại ở việc quy định, ghi nhận đương sự được quyền thu thập chứng cứ và một số biện pháp để thực hiện quyền thu thập chứng cứ. Thế nhưng còn trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ được tiến hành như thế nào thì lại không có quy định, khiến cho đương sự rất lúng túng, không biết làm thế nào cho đúng để những tài liệu, chứng cứ, vật chứng, dữ liệu điện tử mà mình thu thập có thể trở thành chứng cứ và được sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì để được xem là chứng cứ thì phải đáp ứng đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ về tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Hai thuộc tính khách quan và liên quan có thể đảm bảo được nhưng thuộc tính thứ ba thì rất khó. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính về chứng cứ thì chứng cứ phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do Luật Tố tụng hành chính quy định nhưng lại chỉ có quy định về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của Tòa án, còn đương sự thì không có quy định.
Ví dụ: bà A bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn bán hàng giả, vì cho rằng áo thun nhãn hiệu X mà bà A đang bán là hàng giả. Để bảo vệ cho mình thì bà A đã đem chính cái áo thun mà bị cho là hàng giả đó đến Công ty sản xuất loại áo thun nhãn hiệu X đó để xác minh. Nơi sản xuất loại áo thun nhãn hiệu X đó có văn bản xác nhận áo thun này là do chính Công ty đó sản xuất không phải là hàng giả. Bà A cung cấp văn bản xác minh của Công ty cho Tòa án để chứng minh áo thun bà A đang bán không phải là hàng giả, xử phạt bà A hành vi bán hàng giả như vậy là sai. Thế nhưng chứng cứ này của bà A không được Tòa án công nhận, không sử dụng chứng cứ này vì cho rằng việc thu thập chứng cứ như vậy không đúng quy định của pháp luật, Công ty xác định như vậy là không khách quan.
Việc không quy định về trình tự, thủ tục về các biện pháp thu thập chứng cứ của đương sự dẫn đến một “khiếm khuyết” pháp lý nghiêm trọng trong quá trình đánh giá chứng cứ là không có căn cứ để đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ được thu thập bởi đương sự. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì tính hợp pháp của chứng cứ là “thu thập theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định” . Như vậy, tính hợp pháp của chứng cứ chính là sự tuân thủ trình tự, thủ tục khi thu thập chứng cứ. Vấn đề được đặt ra là, nếu không có quy định về trình tự, thủ tục trong việc thu thập chứng cứ của đương sự thì sẽ không có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định tính hợp pháp của các chứng cứ đó.
Sự không rõ ràng đó có thể dẫn đến sự tùy tiện trong việc thu thập chứng cứ của đương sự và sự tùy tiện trong việc xác định tính hợp pháp của các chứng cứ đó của Thẩm phán và Hội đồng xét xử. Nhiều trường hợp Thẩm phán, Hội đồng xét xử không chấp nhận giá trị chứng minh, không sử dụng chứng cứ của đương sự thu thập được để làm căn cứ giải quyết vụ án vì cho rằng không đảm bảo tính hợp pháp. Mặt khác, sự chặt chẽ trong thủ tục, trình tự thu thập chứng cứ là sự đảm bảo cho tính khách quan của chứng cứ, nhằm hạn chế khả năng chứng cứ bị can thiệp một cách chủ quan từ người thu thập. Do đó, sự tùy tiện trong việc thủ tục, trình tự thu thập chứng cứ cũng có thể sẽ dẫn đến khả năng gây ảnh hưởng đến tính khách quan của chứng cứ, khiến cho việc nhận định giải quyết vụ án có thể bị sai lầm do dựa trên các chứng cứ không khách quan.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Theo chúng tôi một trong những nguyên nhân dẫn đến những thực trạng trên là do quy định của pháp luật Tố tụng hành chính về thu thập chứng cứ hiện nay không phù hợp với thực tiễn diễn ra, không phù hợp đặc thù riêng của VAHC. Muốn nâng cao tính tranh tụng trong VAHC, giải quyết được vụ án chính xác cũng như đảm bảo được hiệu quả trong việc thu thập chứng cứ của đương sự thì điều đầu tiên cần phải hoàn thiện đó là các quy định của pháp luật. Theo chúng tôi để khắc phục những tồn tại như trên cần có quy định pháp luật rõ ràng, đầy đủ, phù hợp về những nội dung sau:
Thứ nhất, Quy định hoặc có hướng dẫn rõ ràng và đầy đủ về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của đương sự.
Theo chúng tôi, các nhà lập pháp cần nghiên cứu, xem xét bổ sung trình tự, thủ tục đương sự thu thập chứng cứ vào quy định của Luật Tố tụng hành chính, để đương sự biết cách thức mà thu thập được chứng cứ cho đúng.
Thứ hai, Cần có quy định chế tài xử phạt đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ không chịu cung cấp cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Cần có quy định chế tài xử lý đối với hành vi không cung cấp cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự. Nếu người không chịu cung cấp chứng cứ là cơ quan, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân thì có thể buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm, tham khảo các quy định về các biện pháp xử lý kỷ luật cán bộ, công chức để ban hành cách thức, biện pháp xử lý kỷ luật cho phù hợp. Cần phân biệt được rạch ròi ranh giới giữa hành vi vi phạm nào sẽ bị xử lý hành chính và hành vi vi phạm nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, từ đó để người có thẩm quyền có căn cứ áp dụng được thống nhất. Nếu là xử phạt hành chính thì cũng phải có quy định rõ về hình thức xử lý cụ thể đối với từng loại hành vi vi phạm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt. Nếu là truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cần có quy định rõ ràng mức độ cản trở, mức độ nguy hiểm, hậu quả xảy ra như thế nào là đủ truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiện hình sự nhưng vẫn cố tình không chịu giao nộp chứng cứ thì cũng phải có quy định về cách thức, biện pháp thực hiện cưỡng chế để Tòa án có thể có được chứng cứ hợp pháp làm căn cứ cho việc giải quyết được vụ án.
Thứ ba, Cần có quy định để có thể thu thập chứng cứ qua phần xét hỏi phía người bị kiện khi người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa xét xử.
Luật Tố tụng hành chính cần có quy định khi người bị kiện vắng mặt tại Tòa án nhưng có cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện tham gia tố tụng, thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phía người bị kiện phải có trách nhiệm trả lời những câu hỏi cho Tòa án, cho các đương sự khác trong vụ án, cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong vụ án.
Quy định như vậy là có thể thực hiện được quy định pháp luật về biện pháp thu thập chứng cứ bằng cách lấy lời khai của người bị kiện trong VAHC một cách hiệu quả. Bởi vì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phía người bị kiện thường là những người làm công tác chuyên môn, tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo ban hành ra QĐHC bị kiện, hồ sơ, thủ tục giấy tờ, căn cứ pháp lý và những nội dung khác liên quan trong vụ án họ biết rất đầy đủ và chính xác. Cho nên lời khai, trình bày của họ qua phần hỏi tại phiên tòa giúp Tòa án làm rõ được những vấn đến đề liên quan trong vụ án làm căn cứ giải quyết vụ án được chính xác nhất.