1. Quy định của pháp luật về định giá tài sản của Tòa án trong tố tụng hành chính
Trong vụ án hành chính (VAHC) để làm căn cứ xác định giá trị tài sản bị thiệt hại hoặc có chứng cứ chứng minh quyết định hành chính bị kiện ban hành sai về tính giá trị tài sản thì phía người khởi kiện có thể thu thập chứng cứ bằng biện pháp là yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá tài sản . Việc định giá tài sản áp dụng khi Tòa án giải quyết VAHC mà có sự tranh chấp về giá của tài sản và phải được xác định bằng một cơ quan chuyên môn nhất định . Kết quả định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định .
Trong VAHC, trên thực tiễn trong các đương sự thì chỉ có phía người khởi kiện yêu cầu thu thập chứng cứ bằng biện pháp là yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá tài sản. Bởi vì người khởi kiện là người có yêu cầu tuyên hủy quyết định hành chính bị khởi kiện và bồi thường thiệt hại nên việc chứng minh thiệt hại trước hết phải thuộc về phía người khởi kiện. Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình . Đối với phía người bị kiện, họ cho rằng quyết định hành chính đã ban hành hoặc hành vi hành chính đã thực hiện là đúng, dẫn đến không gây thiệt hại gì, thì họ không cần thiết phải chứng minh giá trị thiệt hại, đồng thời phía người bị kiện là cơ quan tính mức giá để áp dụng tính bồi thường, hỗ trợ khi ban hành quyết định hành chính cho nên ít khi có trường hợp nào mà phía người bị kiện yêu cầu định giá. Còn Tòa án thì trong trường hợp cần thiết mới tiến hành định giá để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Ví dụ: ông A bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng giả, đồng thời tạm giữ số hàng hóa là quần áo được cho là hàng giả của ông A. Trong quá trình tạm giữ thì số quần áo này bị hư hỏng, để xác định giá trị thiệt hại để yêu cầu phía người bị kiện bồi thường thì ông A yêu cầu Tòa án tiến hành định giá về giá trị thiệt hại của số lượng quần áo bị tạm giữ.
Khi người khởi kiện yêu cầu định giá tài sản thì người khởi kiện sẽ làm đơn gởi Tòa án yêu cầu định giá. Căn cứ vào đơn yêu cầu của người khởi kiện thì Tòa án sẽ ban hành quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá . Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Việc định giá phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, của đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá . Thông thường khi định giá về bất động sản thì Hội đồng định giá căn cứ vào khung giá đất, bản giá đất (hoặc khung giá xây dựng) do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định nhân với hệ số K. Còn đối với động sản thì Hội đồng định giá căn cứ vào giá thị trường và giá trị sử dụng còn lại của tài sản.
2. Những bất cập của pháp luật về định giá tài sản trong tố tụng hành chính
Nhận thấy quy định của pháp luật và thực trạng thi hành pháp luật trên thực tế về định giá tài sản trong Luật Tố tụng hành hành chính ( TTHC) còn những tồn tại những vướng mắc, bất cập sau:
2.1. Tòa án không chấp nhận định giá theo yêu cầu của người khởi kiện
Không phải trường hợp nào khi không thống nhất về giá giữa các đương sự hoặc khi có yêu cầu định giá của người khởi kiện thì Tòa án cũng đồng ý tiến hành định giá. Theo công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về TTHC, tố tụng dân sự: “Trường hợp khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mà có yêu cầu Tòa án xem xét về giá bồi thường thì Tòa án căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch dụng đất, mục đích thu hồi đất, giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất để giải quyết vụ án mà không được tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là công văn số 02).
Như vậy trong các VAHC về khởi kiện quyết định hành chính về thu hồi đất mà người khởi kiện cho rằng giá đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất quá thấp, không phù hợp với giá thị trường thì người khởi kiện không được quyền yêu cầu định giá đất, nếu có yêu cầu định giá phần đất bị thu hồi thì cũng không được Tòa án chấp nhận tiến hành định giá. Như vậy việc định giá tài sản trong VAHC chỉ còn được Tòa án thực hiện được đối với các khiếu kiện về yêu cầu bồi thường về giá trị tài sản trên đất bị thu hồi hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc khiếu kiện về hành vi hành chính mà có gây ra thiệt hại về tài sản.
Ví dụ 1: ông A bị Nhà nước ban hành quyết định thu hồi 100m2 đất, trên đất có 01 căn nhà và 01 hồ bơi. Ông A được tính tiền bồi thường 100m2 đất với giá là 500.000.000 đồng, 01 căn nhà là 200.000.000 đồng, 01 hồ bơi là 50.000.000 đồng. Tổng cộng ông A được bồi thường giá trị đất bị thu hồi và giá trị tài sản của căn nhà và hồ bơi là 750.000.000 đồng. Ông A không đồng ý với giá bồi thường này. Ông A cho rằng phần đất 100m2 ông A chuyển nhượng theo giá thị trường là 700.000.000 đồng. Căn nhà giá trị còn lại vào thời điểm bị thu hồi đất là 300.000.000 đồng. Hồ bơi giá trị còn lại vào thời điểm bị thu hồi đất là 100.000.000 đồng. Cho nên số tiền bồi thường cả thu hồi đất và cả công trình xây dựng trên đất phải bồi thường cho ông A là 1.100.000.000 đồng. Ông A khởi kiên yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất về phần tính bồi thường thiệt hại. Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ thì ông A chỉ có thể yêu cầu Tòa án định giá đối với giá trị là căn nhà và hồ bơi, còn đối với phần đất 100m2 ông A không có quyền yêu cầu định giá giá trị phần đất.
Mặc dù công văn số 02 không được xem là văn bản quy phạm pháp luật nhưng công văn này lại được ban hành bởi Tòa án nhân dân tối cao, là cơ quan cao nhất trong hệ thống Tòa án, công văn này mang tính định hướng, hướng dẫn về đường lối nghiệp vụ được các Thẩm phán Tòa án các cấp tham khảo áp dụng trong quá trình giải quyết VAHC. Theo chúng tôi nếu thực hiện theo hướng dẫn của công văn số 02 thì nhận thấy còn một số bất cập sau:
Thứ nhất: có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định về định giá của Luật TTHC
Khi người khởi kiện yêu cầu định giá tài sản thì Tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá . Khi Hội đồng định giá tiến hành định giá, ban hành kết luận về giá mà có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết VAHC thì người khởi kiện có quyền yêu cầu định giá lại . Theo quy định của pháp luật như trên thì không giới hạn, hạn chế loại tài sản được định giá và tài sản được định giá lại. Phần đất của người dân khi bị thu hồi cũng là tài sản, khi tài sản bị thu hồi nhưng không được bồi thường đúng giá trị (thường là bồi thường giá thấp hơn so với giá trị trường) sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, thì người dân phải có quyền yêu cầu định giá để chứng minh việc tính tiền bồi thường trong quyết định thu hồi đất là sai. Thậm chí trong Luật TTHC còn cho phép lấy giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết VAHC để làm căn cứ xác định việc định giá, tính giá là đúng hay sai. Theo nội dung công văn số 02 thì khi “khởi kiện về quyết định hành chính về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mà có yêu cầu Tòa án xem xét về giá bồi thường thì Tòa án không được tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất” , quy định như vậy là đã làm hẹp đi phạm vi áp dụng tài sản được định giá đã được quy định tại Luật TTHC.
Thứ hai, trái nguyên tắc thu thập chứng cứ của đương sự và của Tòa án trong việc giải quyết VAHC.
Khi Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất, người dân không đồng ý về tiền bồi thường giá đất, người dân có quyền khởi kiện ra Tòa án. Để có chứng cứ chứng minh cho việc quyết định hành chính về việc thu hồi đất không đúng pháp luật về tính giá đất bồi thường, thì người khởi kiện có quyền thu thập chứng cứ là yêu cầu định giá để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Việc tính số tiền bồi thường, hỗ trợ sai cũng là nội dung để chứng minh đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính thu hồi đất trái pháp luật, là căn cứ để Tòa án tuyên hủy quyết định đó. Theo công văn số 02 thì Tòa án không được tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất, tức là mặt nhiên Tòa án đã ấn định và thừa nhận giá đất Nhà nước áp dụng bồi thường thể hiện trong quyết định thu hồi đất là đúng, không cần phải chứng minh nữa. Cho dù người khởi kiện có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ bằng biện pháp tiến hành định giá đất thì Tòa án cũng không chấp nhận thực hiện. Hoặc người khởi kiện tự tiến hành thuê công ty thẩm định giá để tiến hành thẩm định giá, để người khởi kiện chứng minh giá đất trong quyết định thu hồi là thấp, không đúng, không phù hợp với giá thị trường thì chứng cứ này cũng sẽ không được Tòa án chấp nhận. Luật đã quy định rõ các đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ . Thế nhưng việc không cho đương sự thu thập chứng cứ khi yêu cầu định giá tài sản như vậy là trái với nguyên tắc cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh trong TTHC.
Thứ ba, làm hạn chế việc thực hiện quyền hạn của Hội đồng xét xử, Tòa án khi giải quyết VAHC.
Khi Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất, giá đất làm căn cứ tính tiền bồi thường chi trả cho người bị thu hồi đất là giá đất cụ thể theo quyết định công bố bản giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành . Giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất . Giá đất cụ thể là loại giá mang tính “cá biệt”, không mang tính “quy phạm” như bảng giá đất. Giá đất cụ thể không có sẵn trên thực tế mà chỉ được xác định khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần sử dụng và nó chỉ được áp dụng với một hoặc một số đối tượng nhất định .
Trên thực tiễn không phải lúc nào giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành là cũng hoàn toàn đúng với pháp luật, phù hợp với thực tế, phù hợp với giá thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất. Nếu giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái pháp luật, thì sẽ kéo theo quyết định thu hồi đất tính tiền bồi thường khi thu hồi đất áp dụng theo giá đất cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cũng không phù hợp theo. Khi người dân khởi kiện quyết định hành chính thu hồi đất thì Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính liên quan đến quyết định hành chính bị khởi kiện . Khi Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện về yêu cầu hủy quyết định hành chính về thu hồi đất lý do sai về tính giá bồi thường. Nếu phát hiện ra căn cứ để ban hành ra quyết định thu hồi đất, giá đất cụ thể áp dụng làm căn cứ tính tiền bồi thường là giá đất cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Tòa án có quyền kiến nghị hủy bỏ luôn việc công bố giá đất cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân . Như vậy nếu cho rằng Tòa án không được tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng thì không có chứng cứ để chứng minh việc ban hành giá bồi thường là không đúng. Từ đó khi xét xử VAHC không có cơ sở để Hội đồng xét xử thực hiện được quyền yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản hành chính nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật.
Thứ tư, không đảm bảo được quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất
Trong quá trình quản lý nhà nước, vì nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng hay vì mục đích quốc phòng an ninh thì Nhà nước có thể thu hồi đất của người dân. Khi người dân bị Nhà nước thu hồi đất, họ thấy rằng quyền lợi của họ bị ảnh hưởng, khi giao đất cho Nhà nước nhưng không được bồi thường thỏa đáng thì họ có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. Phần lớn trong các VAHC hiện nay khi người khởi kiện tiến hành khởi kiện các quyết định hành chính về thu hồi đất, thì chủ yếu là người khởi kiện không đồng ý về giá bồi thường. Họ cho rằng giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chi trả cho họ là quá thấp, có sự chênh lệch lớn so với giá trị trường mà họ có thể chuyển nhượng được.
Có rất nhiều trường hợp để Nhà nước thu hồi đất vì nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trên thực tế, trường hợp nào mà khi thu hồi đất quyền lợi của người dân và Nhà nước được hài hoà, người dân hài lòng, đồng ý về giá bồi thường khi giao đất cho nhà nước thì ít có tranh chấp, kiện tụng xảy ra. Ví dụ như thu hồi đất để thực hiện các dự án như xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công viên, quản trường, tượng đài, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương như giao thông, cấp nước, điện lực, chiếu sáng đô thị ….các trường hợp thu hồi đất này thì áp dụng giá bồi thường theo bảng giá của Nhà nước là phù hợp. Tuy nhiên cũng có những trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất mà người dân phản ứng rất là gay gắt, họ cho rằng Nhà nước thu hồi đất nhưng để làm lợi cho bên thứ ba khác, còn quyền lợi của người bị thu hồi đất thì không được đảm bảo. Khi thu hồi đất của người dân thì bồi thường số tiền thấp, khi đất thu hồi được giao cho bên thứ ba, bên thứ ba bán lại cho người dân cũng ngay chính phần đất bị thu hồi đó thì giá bán lại chênh lệch rất cao so với giá mà người dân nhận được bồi thường trước đó. Ví dụ như Nhà nước thu hồi đất của người dân để giao cho chủ đầu tư thực hiện xây dựng dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới… Nếu rơi vào các trường hợp thu hồi đất này, khi người dân có khởi kiện không đồng ý về giá bồi thường thì Tòa án nên chấp nhận cho tiến hành định giá đất là cần thiết. Vì mục đích thu hồi đất có tạo ra lợi nhuận, lợi ích cho bên thứ ba khác, để bảo vệ được lợi ích chính đáng, phù hợp của người bị thu hồi đất.
2.2. Về thành viên tham gia Hội đồng định giá không phù hợp
Trên thực tế tài sản cần định giá và nội dung cần định giá trong VAHC rất là đa đạng, phong phú. Ví dụ như các tang vật, phương tiện trong các vụ vi phạm hành chính: giá trị xe máy, xe ô tô; thật giả của thuốc lá, quần áo, mỹ phẩm; loại gỗ; tuổi vàng… hoặc tài sản trong các quyết định thu hồi đất: căn nhà, cây trồng, ao cá, giếng nước. Mỗi loại tài sản có đặc điểm khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nên để xác định được được giá chính xác cũng cần người có chuyên môn khác nhau. Nhưng trong thực tế một số Tòa án không xem xét tài sản định giá là loại tài sản nào, đặc điểm ra sao, có liên quan đến cơ quan chuyên môn nào để làm văn bản gởi đến đúng cơ quan chuyên môn đề nghị cử cán bộ làm thành viên Hội đồng định giá. Dẫn đến việc định giá được thực hiện bởi các thành viên không có đủ trình độ chuyên môn tư vấn chính xác về định giá tài sản, không đủ nghiệp vụ chuyên môn theo yêu cầu, không thuộc lĩnh vực mình quản lý, không am hiểu về giá trị tài sản cần định giá nên kết quả định giá không chính xác. Ví dụ: cần định giá về lô hàng hóa là quần áo có phải là hàng giả hay không, giá trị là bao nhiêu, nhưng thành viên trong hội đồng định giá là đại diện của phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Tư pháp chứ không có đại diện phòng Công thương. Phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Tư pháp không phải là cơ quan chuyên môn, không có khả năng hiểu biết sâu về lĩnh vực hàng hóa là quần áo nên việc định giá sẽ không chính xác cao.
2.3. Về sự vô tư khách quan của thành viên trong Hội đồng định giá
Trong VAHC người bị kiện thường là cơ quan hành chính Nhà nước (chủ yếu là Ủy ban nhân dân các cấp) và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước (chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp). Khi cho rằng phía người bị kiện ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi, gây thiệt hại về tài sản của mình thì người khởi kiện tiến hành khởi kiện ra Tòa án để được bảo vệ. Thế nhưng để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại, bị ảnh hưởng thì Tòa án lập Hội đồng định giá để tiến hành định giá. Mà thành viên của Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan. Các cơ quan này lại là cơ quan chuyên môn, trực thuộc, tư vấn, giúp việc cho chính người bị kiện là Ủy ban nhân dân. Thậm chí có trường hợp các cơ quan chuyên môn này trước đó đã tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo ban hành ra quyết định hành chính bị kiện. Kết quả định giá có thể được Tòa án sử dụng làm căn cứ để tuyên hủy quyết định hành chính hoặc tuyên bố hành vi hành chính của người bị kiện là trái pháp luật và buộc người bị kiện phải bồi thường thiệt hại. Như vậy rất khó để Hội đồng định giá có thể vô tư, khách quan để ban hành một kết quả định giá có mức giá khác với mức giá mà người bị kiện đã ban hành trong các quyết định hành chính trước đó. Hiện nay Luật TTHC không có quy định về việc thành viên Hội đồng định giá phải đảm bảo sự vô tư trong quá trình tố tụng, có nghĩa khi đã có quyết định về thành viên hội đồng định giá thì cho dù các đương sự có xét thấy hoặc có chứng cứ chứng minh họ có thể sẽ không vô tư trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình thì cũng không có quyền yêu cầu thay đổi.
2.4. Về chí phí định giá tài sản
Chi phí định giá tài sản là số tiền cần thiết, hợp lý phải chi trả cho việc định giá tài sản và do Hội đồng định giá tính căn cứ vào quy định của pháp luật . Trong VAHC người khởi kiện là người có yêu cầu Tòa án tuyên hủy quyết định hành chính và yêu yêu cầu bồi thường thiệt hại nên họ cần tiến hành định giá để có chứng cứ chứng minh. Cho nên việc định giá trong VAHC thì Tòa án luôn thực hiện căn cứ trên yêu cầu của phía người khởi kiện. Khi người khởi kiện yêu cầu định giá thì người khởi kiện sẽ phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản . Tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản là số tiền mà Hội đồng định giá tạm tính để tiến hành việc định giá theo quyết định của Tòa án . Trường hợp nếu người khởi kiện và người bị kiện không thống nhất được về giá và cùng yêu cầu Tòa án định giá tài sản thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa tiền tạm ứng chí phí định giá tài sản . Với các quy định pháp luật như trên hiện nay không thi hành được trên thực tiễn bởi vì một số lý do sau:
Thứ nhất: khi người bị kiện và người khởi kiện không thống nhất về giá và cùng yêu cầu Tòa án định giá thì phía người bị kiện phải đóng một nửa tiền tạm ứng chí phí định giá tài sản. Quy định này là bất hợp lý, vì tiền tạm ứng chi phí định giá sẽ phải đóng cho Hội đồng định giá, mà Hội đồng định giá là các thành viên thuộc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân. Trong khi đó người bị kiện có thể là Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân, là cơ quan, lãnh đạo cấp trên của các thành viên trong Hội đồng định giá. Nếu đóng tiền tạm ứng chi phí định giá thì người bị kiện sẽ lấy tiền từ ngân sách của Ủy ban nhân dân để đóng cho Hội đồng định giá là thành viên trong các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ cho chính cơ quan của mình, điều này là hoàn toàn không phù hợp.
Thứ hai: cho tới nay việc định giá trong TTHC thì chưa có bất kỳ một văn bản pháp lý nào quy định chính thức về số tiền phải trả khi Tòa án tiến hành định giá, cho nên khi Hội đồng định giá không biết tính chi phí tạm ứng, chi phí định giá bao nhiêu là phù hợp. Chính vì không có quy định rõ ràng cho nên hiện nay rất nhiều Tòa án rất lúng túng trong việc thu tiền tạm ứng chi phí định giá của phía người khởi kiện. Việc thu tiền tạm ứng chi phí định giá hiện nay các Tòa án thực hiện rất khác nhau, có Tòa án thì không thu chi phí này, có Tòa án thì thu số tiền với mức là đủ để “bồi dưỡng” cho Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng định giá trong quá trình thực hiện định giá. Ví dụ Hội đồng định giá là 03 thành viên, bao gồm cả Thư ký và Thẩm phán nữa là 05 người, thì Tòa án sẽ thu 1.000.000 đồng của người khởi kiện để trả cho mỗi người là 200.000 ngàn. Thậm chí có trường hợp Thẩm phán “lạm thu” yêu cầu người khởi kiện đóng tạm ứng chi phí định giá với số tiền theo ý muốn của mình. Việc Thẩm phán yêu cầu đóng số tiền không đúng, không có căn cứ cũng là lý do để quyết định, bản án của mình ban hành là trái pháp luật, dẫn đến phải bị hủy, sửa quyết định, bản án .
2.5. Về việc định giá lại
Việc định giá lại tài sản được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết VAHC . Nếu đương sự không đồng ý với kết quả định giá lần đầu vì cho rằng việc định giá không chính xác, giá không phù hợp thì yêu cầu cho tiến hành định giá lại. Trình tự thủ tục tiến hành định giá lại như thế nào luật không quy định rõ. Thực tiễn thì Tòa án tiến hành định giá lại vẫn y như lần đầu, tức là Tòa án sẽ thành lập Hội đồng định giá và việc định giá lại vẫn do Hội đồng định giá tiến hành. Nhưng việc định giá lại vẫn do các thành viên trong Hội đồng định giá thuộc các cơ quan chuyên môn đã thực hiện việc định giá lần đầu thực hiện (có thể thay đổi, khác tên thành viên nhưng vẫn thuộc cơ quan chuyên môn ban đầu). Cho nên tính khách quan không cao, hầu như kết quả định giá lại không khác gì trước, không hiệu quả trên thực tế.
Mặc khác, luật cũng không quy định số lần đối đa mà đương sự được yêu cầu định giá lại cho nên nhiều vụ án đương sự cứ khiếu nại việc định giá, yêu cầu định giá lại nhiều lần khiến cho kéo dài thời gian giải quyết vụ án của Tòa án. Thấy không hợp lý nhưng Tòa án cũng không có căn cứ pháp lý nào để không chấp nhận việc yêu cầu định giá lại của đương sự.
3. Những kiến nghị, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật
Để có thể khắc phục được sự bất cập của việc định giá tài sản như trên, cần phải có quy định của pháp luật đầy đủ, rõ ràng về những vấn đề sau:
Thứ nhất: Toà án nhân dân tối cao bỏ quy định tại công văn số 02 về nội dung “Trường hợp khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mà có yêu cầu Tòa án xem xét về giá bồi thường thì tòa án căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch dụng đất, mục đích thu hồi đất, giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất để giải quyết vụ án mà không được tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất”. Để người khởi kiện có thể được tiến hành thẩm định giá hoặc định giá về giá trị quyền sử dụng đất khi bị thu hồi đất.
Thứ hai, cần sửa quy định tại điểm g khoản 1 Điều 84 Luật TTHC là đương sự có quyền tự mình thu thập chứng cứ bằng cả biện pháp yêu cầu Tòa án ra quyết định thẩm định giá tài sản. Lý do cần có quy định cho phép đương sự được quyền yêu cầu Tòa án tiến hành ra quyết định thẩm định giá trị tài sản là để cơ quan, tổ chức có chức năng Thẩm định giá ban hành chứng thư định giá để xác định giá trị tài sản khi có tranh chấp về giá tài sản trong VAHC. Điều này là để tạo sự bình đẳng cho người khởi kiện và người bị kiện trong việc tranh chấp về giá trị tài sản, vì đặc thù trong VAHC là Hội đồng định giá là cơ quan chuyên môn thuộc về phía người bị kiện. Đồng thời với quy định cho phép tiến hành thẩm định giá để khắc phục trường hợp Hội đồng định giá định giá ban hành kết quả định giá không chính xác, không vô tư khách quan khi tiến hành định giá, phải tiến định giá lại nhiều lần.
Do đó, cần sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 84 Luật TTHC với nội dung như sau:
“Điều 84. Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ
1. Đương sự có quyền tự mình thu thập chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:
g) Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản hoặc tiến hành Thẩm định giá tài sản”.
Thứ ba, sửa quy định tại Điều 365 Luật TTHC quy định từ “Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản” thành “Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí thẩm định giá tài sản”. Khi đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành định giá tài sản thì đương sự không phải đóng tiền. Bởi vì việc định giá tài sản là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án, việc định giá tài sản được tiến hành bởi Thẩm phán, Thư ký Tòa án, các thành viên thuộc cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân. Những người tham gia thực hiện việc định giá này là họ thực hiện nhiệm vụ, công vụ của họ nên họ phải có trách nhiệm thực hiện. Họ đã được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình nên không lý do gì bắt người dân (người khởi kiện) phải trả thêm tiền cho họ nữa. Luật TTHC chỉ cần quy định về “Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí thẩm định giá tài sản”. Bởi vì thẩm định giá là đương sự thuê công ty, tổ chức có chức năng thẩm định giá để tiến hành thẩm định giá trị tài sản theo yêu cầu của đương sự, nên đương sự phải trả chi phí thẩm định giá là phù hợp.
Thứ tư: cần có quy định của pháp luật về số lần tối đa đương sự được quyền yêu cầu định giá lại, nên quy định được định giá lại nhưng không quá 02 lần. Cũng cần có quy định chế tài áp dụng nếu có những vi phạm trong quá trình thực hiện định giá. Đó là không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án hoặc không tham gia nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng . Bởi vì thành viên Hội đồng định giá thường là cán bộ, công chức làm trong Ủy ban nhân dân, nên có thể tham khảo các quy định về các biện pháp xử lý kỷ luật cán bộ, công chức để ban hành các biện pháp chế tài áp dụng cho phù hợp. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra thì người có thẩm quyền xử lý có thể áp dụng một trong các hình thức xử lý là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm nếu người vi phạm là cán bộ. Nếu đối tượng bị xử lý là công chức thì có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử lý là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Tuy nhiên để người có thẩm quyền có thể xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức về hành vi này một cách công bằng, nhanh chóng, phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả thì phải có văn bản hướng dẫn rõ ràng về đánh giá mức độ hậu quả do hành vi vi phạm của cán bộ, công chức gây ra, để làm căn cứ xử phạt.