Cơ sở pháp lý: Điều 12 Hiến pháp, Điều 4 Luật Tố tụng hành chính: “Mọi hoạt động tố tụng hành chính của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuân theo các quy định của Luật này”.
Trong Luật Tố tụng Hành chính, nguyên tắc này thể hiện như sau
- Thứ nhất, mọi hành vi tố tụng phải được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng nội dung và đúng trình tự pháp luật do pháp luật quy định. Đòi hỏi này không chỉ đặt ra đối với người tiến hành tố tụng mà cả đối với người tham gia tố tụng (người khởi kiện, người bị kiện, người liên quan ...) cũng phải tuân theo pháp luật khi tham gia tố tụng, pháp luật cần tuân thủ trước hết ở đây là pháp luật tố tụng hành chính, tiếp theo là pháp luật hành chính và các quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Ví dụ: khi Toà án từ chối hay chấp nhận tư cách đại diện của một người khi người này đại diện cho đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng thì Toà án phải căn cứ vào pháp luật dân sự để quyết định: là đại diện đương nhiên hay đại diện theo uỷ quyền, có đủ điều kiện làm người đại diện không, phạm vi đại diện như thế nào ...
- Thứ hai, bản án, quyết định của Toà án phải đúng pháp luật về cả nội dung và hình thức: bản án là kết quả của quá trình xét xử, là biểu hiện tập trung nhất ý chí, lý trí của hội đồng xét xử, các vấn đề phải được quyết định theo đa số thành viên của hội đồng xét xử (dưới hình thức bỏ phiếu kín). Nội dung của bản án phải có những nội dung chính do pháp luật quy định. Pháp luật nội dung được áp dụng phải là văn bản có giá trị cao nhất điều chỉnh những vấn đề đang tranh chấp. Trong trường hợp có quy định thay thế thì áp dụng những quy định thay thế. Lưu ý, pháp luật nội dung được vận dụng không đương nhiên được hiểu là văn bản pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm xét xử.
- Thứ ba, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh.
Muốn thực hiện tốt nguyên tắc này cần
- Có một hệ thống pháp luật hoàn thiện và thống nhất, trong đó đặc biệt cần thiết là pháp luật tố tụng hành chính.
- Không ngừng nâng cao ý thức pháp luật của những người tiến hành tố tụng và của những chủ thể khác.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật mà trước hết là trong hoạt động tố tụng hành chính.