Thuật ngữ tố tụng thường được sử dụng để chỉ toàn bộ các hoạt động của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết, xử lý một vụ tranh chấp hoặc những vụ việc có tính chất tranh chấp về một vấn đề chưa rõ giữa hai hay nhiều chủ thể. Trong đó, có một số chủ thể thực hiện các hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình, một số chủ thể khác tiến hành tố tụng với mục đích tìm ra sự thật khách quan, giải quyết đúng đắn vụ việc. Trong pháp luật Việt Nam, thuật ngữ “tố tụng” được sử dụng để chỉ hoạt động của các chủ thể trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc cạnh tranh; trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài hoặc bằng Trọng tài viên; trong quá trình Toà án giải quyết các vụ án hình sự; vụ án hành chính; các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động . Trong các cách dùng đó, tố tụng tại Toà án được biết đến một cách phổ biến hơn cả. Do đó, thuật ngữ tố tụng thường được hiểu theo nghĩa hẹp nhất: là hoạt động của các chủ thể trong quá trình Toà án giải quyết vụ án.
Để việc giải quyết vụ việc được khách quan và nhanh chóng, hoạt động tố tụng của các chủ thể cần phải tuân thủ theo những yêu cầu nhất định về trình tự và hình thức nhất định đã được pháp luật quy định. Những yêu cầu về trình tự, hình thức trong tố tụng được gọi là thủ tục tố tụng. Thủ tục tố tụng được thiết lập dựa trên tính chất và đặc điểm của mỗi vụ việc cần giải quyết nhưng không phải cứ có bao nhiêu loại tranh chấp thì có bấy nhiêu thủ tục tố tụng được thiết lập. Bởi những loại tranh chấp có tính chất giống nhau thì sẽ được giải quyết theo một thủ tục chung. Ở nước ta, Thủ tục tố tụng dân sự được sử dụng để điều chỉnh hoạt động giải quyết nhiều loại vụ việc có cùng tính chất như các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Trong khi đó, do tính chất đặc thù của vụ án hình sự nên việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự được thực hiện theo một thủ tục riêng là thủ tục tố tụng hình sự. Đối với việc khởi kiện và giải quyết vụ án hành chính được thực hiện bằng một thủ tục riêng hay gộp chung vào thủ tục giải quyết các vụ án dân sự là một vấn đề không hoàn toàn thống nhất giữa các hệ thống pháp lý. Ví dụ ở các nước theo hệ thống pháp luật Anh Mỹ, việc giải quyết vụ án hành chính được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự trong khi đó, đối với hệ thống pháp luật châu Âu lục địa thì vụ án hành chính được giải quyết bằng một thủ tục riêng và thường đo một Toà án chuyên trách thực hiện. Ở nước ta, kể từ khi Toà án nhân dân được xác lập thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính, loại án này được giải quyết theo một thủ tục riêng . Đó là thủ tục tố tụng hành chính.
Trong ba loại thủ tục tố tụng tại Toà án nêu trên, thủ tục tố tụng hình sự mang nhiều nét đặt thù nhất bởi nó được thiết lập để giải quyết một loại án cũng hết sức đặc thù về tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm và tính nghiêm khắc của hình phạt - án hình sự. Trong khi đó, thủ tục tố tụng hành chính được thiết lập dựa trên những nét riêng biệt của vụ án hành chính so với các loại án phi hình sự khác (vụ án về sân sự lao động, thương mại…). Những điểm đặc thù đó của vụ án hành chính xuất phát từ nội dung tranh chấp trước hết và chủ yếu là tranh chấp về tính hợp pháp của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Trong đó, một bên là người có thẩm quyền nhân danh nhà nước, điều hành xã hội vì những mục tiêu mà nhà nước đặt ra với một bên là cá nhân hoặc tổ chức cho rằng hoạt động quản lý hành chính bị kiện là không đúng pháp luật xâm phạm đến quyền lợi của các cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ. Từ đây, vụ án hành chính có những điểm đặc thù cần lưu ý. Thứ nhất, người bị kiện trong vụ án hành chính là pháp nhân công quyền chứ không phải là chính bản thân cá nhân, tổ chức được giao chức vụ, quyền hạn. Từ đây vấn đề năng lực chủ thể của người bị kiện, quyền hạn của người bị kiện cũng như vấn đề kế thừa quyền nghĩa vụ của người bị kiện cũng có nhiều điểm khác biệt. Thứ hai, trách nhiệm mà bên bị kiện phải gánh chịu nếu thua kiện là trách nhiệm công vụ, mà nhà nước là chủ thể phải trực tiếp gánh chịu chứ không phải là chính bản thân công chức hay cơ quan nhà nước đã thực hiện hành vi phải trực tiếp gánh chịu. trách nhiệm của công chức, cơ quan bị kiện (nếu có) là trách nhiệm nội bộ trước nhà nước về hoạt động công vụ của mình. Thứ ba, căn cứ, chứng cứ dùng để giải quyết vụ án hành chính gắn liền với hoạt động công vụ do đó chủ yếu tồn tại dưới dạng văn bản và khả năng thu thập chứng cứ cũng như nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án của các đương sự trong tố tụng hành chính cũng có nhiều điểm khác biệt so với các vụ án phi hình sự khác. Ngoài ra, do Toà án là cơ quan tư pháp, thực hiện chức năng kiểm tra đối với hoạt động của hệ thống hành pháp nên quyền quyết định của Toà án đối với hoạt động quản lý bị kiện cũng có nhiều điểm khác biệt so với quyền hạn của Toà án trong quá trình giải quyết các vụ án phi hình sự khác. Cụ thể, Toà án không có quyền sửa đổi hay ban hành một quyết định mới để thay thế cho quyết định bị kiện trong vụ án. Toà án cũng không có quyền buộc cơ quan, người có thẩm quyền bị kiện phải thực hiện lại hoạt động quản lý theo một phương ách cụ thể nào, trừ trường hợp đó là lựa chọn duy nhất. Với những đặc điểm nêu trên, vụ án hành chính cần được giải quyết theo những trình tự, thủ tục riêng nhằm đáp ứng yêu cầu về tính khách quan, vô tư trong công tác tiến hành tố tụng đồng thời bảo vệ được quyền lợi của đương sự, bảo vệ tính hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính.
Quá trình giải quyết vụ án hành chính bao gồm rất nhiều hoạt động. Đầu tiên là việc khởi kiện của cá nhân, tổ chức có quyền lợi và lợi ích hợp pháp bị cho là xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Tiếp theo là hoạt động xem xét xử lý đơn kiện để thụ lý vụ án. Nếu vụ kiện được thụ lý sẽ làm phát sinh vụ án; nếu không đủ điều kiện để thụ lý, Toà án sẽ trả lại đơn kiện và vụ án không phát sinh trong trường hợp này. Sau khi thụ lý, để giải quyết vụ án Toà án phải tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập chứng cứ và nghiên cứu hồ sơ. Sau đó, đưa ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm (đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án). Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị. Nếu có kháng cáo, kháng nghị thì bản án sơ thẩm sẽ không được đưa ra thi hành mà phải được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm. Sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực hoặc sau khi bản án phúc thẩm được tuyên thì sẽ được đưa ra thi hành. Nhưng nếu sau đó phát hiện ra những căn cứ cho thấy bản án đã tuyên không đúng sự thật khách quan, có sai lầm trong áp dụng pháp luật, vi phạm thủ tục tố tụng .v.v thì sẽ được xem xét lại bằng những thủ tục đặc biệt – thủ tục giám đốc thẩm hoặc thủ tục tái thẩm mà không phụ thuộc vào vụ việc đã được thi hành trên thực tế hay chưa.
Căn cứ vào tính chất quyền lực, người tham gia vào việc giải quyết vụ án được chia làm hai loại: người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Người tiến hành tố tụng là những người được nhà nước trao quyền giải quyết vụ án do đó họ được quyền áp đặt lên các chủ thể khác khi giải quyết vụ án. Theo quy định, người tiến hành tố tụng bao gồn: Chánh án Toà án , Viện trưởng Viện kiểm sát, Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án . Người tham gia tố tụng là những người nhân danh chính mình khi tham gia tố tụng và không có quyền áp đặt lên các chủ thể khác trong quá trình Toà án giải quyết vụ án. Người tham gia tố tụng bao gồm các bên đương sự, người đại diện cho đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.
Dù mục tiêu chung của các chủ thể khi thực hiện các hoạt động tố tụng là nhằm giải quyết vụ án. Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể của các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ án là không giống nhau, thậm chí là rất khác nhau. Đối với người tiến hành tố tụng, hoạt động tố tụng là hoạt động công vụ: nhân danh nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước nhằm thực hiện một phần chức năng của nhà nước là tìm ra sự thật khách quan, giải quyết đúng đắn vụ án. Trong khi đó, hoạt động tố tụng của đương sự, người đại diện và người bảo vệ quyền lợi của đương sự có cùng tính chất là nhân danh chính họ với mục tiêu chính là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự. Đối với người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia vụ án nhằm cung cấp cho Toà án những gì họ biết liên quan đến vụ án, giúp Toà án giải quyết đúng đắn vụ án.
Căn cứ vào thời điểm thực hiện và nhiệm vụ các hoạt động cụ thể, quá trình giải quyết vụ án hành chính được chia thành những giai đoạn tố tụng. Đó là những khâu, những bước kế tiếp nhau, hỗ trợ nhau nhằm đạt mục đích chung là giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, khách quan và đúng pháp luật. Với ý nghĩa đó, quá trình giải quyết vụ án hành chính thông thường được chia thành các giai đoạn sau: giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án; giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm; giai đoạn xét xử sơ thẩm; giai đoạn xét xử phúc thẩm; giai đoạn thi hành án và thủ tục đặc biệt.
Nội dung này dựa theo Giáo trình Luật Tố tụng hành chính của Trường Đại học Luật Tp.Hổ Chí Minh