Nguyên tắc khi xét xử, hội thẩm và thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Cơ sở pháp lý: Điều 14 Luật Tố tụng hành chính: khi xét xử thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Nội dung nguyên tắc
Sự độc lập giữa hội thẩm, thẩm phán với Toà án cấp trên khi xét xử. Sự hướng dẫn, chỉ đạo về công tác chuyên môn của Toà án cấp trên đối với Toà án cấp dưới là sự hướng dẫn chung chứ không hướng dẫn cá biệt đối với từng vụ án. Trong trường hợp Toà án cấp dưới xin ý kiến của Toà án cấp trên (còn gọi là thỉnh thị án) cũng không làm mất đi tính độc lập, vì ở những trường hợp đó chưa được pháp luật quy định rõ, có mâu thuẫn pháp luật hoặc thẩm phán, hội thẩm chưa nhận thức rõ được vấn đề. Ý kiến của Toà án cấp trên chỉ mang tính chất hướng dẫn, giải thích chứ không quyết định các vấn đề đang được giải quyết về lý thuyết, hội thẩm và thẩm phán có thể quyết định khác.
Sự độc lập giữa hội thẩm, thẩm phán với Viện kiểm sát và với các cơ quan đoàn thể khác: khi xét xử Viện kiểm sát bắt buộc phải tham gia phiên toà và phải phát biểu quan điểm về hướng giải quyết vụ án. Các cơ quan, tổ chức cũng có thể phát biểu ý kiến nhưng những ý kiến đó không có ý nghĩa ràng buộc gì đối với các quyết định của hội đồng xét xử, chúng chỉ có giá trị tham khảo. Không một cá nhân, tổ chức nào được ép thẩm phán, hội thẩm quyết định trái với chính kiến của họ.
Sự độc lập giữa thẩm phán với hội thẩm (giữa các thành viên hội đồng xét xử) bao gồm: Độc lập trong khi nghiên cứu hồ sơ; Độc lập khi xét hỏi, chất vấn; Độc lập trong nghị án, quyết định.
Sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm là trên cơ sở quy định của pháp luật và phải tuân theo pháp luật. Việc tuân theo pháp luật không làm mất đi tính độc lập mà còn làm tăng thêm, củng cố tính độc lập vì rằng pháp luật chính là cơ sở của độc lập; pháp luật quy định các phương thức đảm bảo sự bình đẳng.
Độc lập và tuân theo pháp luật là hai mặt thống nhất của một vấn đề, chúng không tách rời nhau: càng độc lập, càng phải tuân theo pháp luật, càng tuân theo pháp luật thì càng độc lập.
Để thực hiện tốt nguyên tắc này: Phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh; Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao bản lĩnh của thẩm phán và hội thẩm. Vì phải hiểu biết rõ mới độc lập được và phải có bản lĩnh mới không bị chi phối và tuân theo pháp luật được.