Nói một cách chính xác hơn, đối tượng điều chỉnh của Luật Tố tụng hành chính là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình Toà án giải quyết tranh chấp hành chính. Bởi lẽ, có những quan hệ phát sinh trước khi vụ án phát sinh (khởi kiện và thụ lý) cũng như những quan hệ xã hội phát sinh sau khi có Toà án giải quyết (thi hành án) cũng do pháp Luật Tố tụng hành chính điều chỉnh. Những quan hệ xã hội được Luật Tố tụng hành chính điều chỉnh gọi là quan hệ pháp luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải mọi quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình Toà án giải quyết tranh chấp hành chính đều là quan hệ pháp luật tố tụng hành chính, hay nói cách khác không phải mọi quan hệ pháp luật phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp hành chính bằng con đường Toà án đều được pháp Luật Tố tụng hành chính điều chỉnh. Chỉ những quan hệ phát sinh trong quá trình Toà án giải quyết vụ án và với mục đích nhằm giải quyết vụ án thì mới thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tố tụng hành chính mà thôi. Ví dụ, quan hệ giữa người khiếu kiện với Kho bạc Nhà nước trong việc nộp tiền tạm ứng án phí là quan hệ tài chính do Luật tài chính điều chỉnh; quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền tham gia tố tụng, quan hệ giữa thân chủ với luật sư ... là quan hệ pháp luật dân sự và do Luật Dân sự điều chỉnh.
Căn cứ vào chủ thể và tính chất quyền lực của các quan hệ pháp luật tố tụng có thể chia làm 03 nhóm chính:
- Nhóm 1: Quan hệ giữa cơ quan tiến hành tố tụng (Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân) và người tiến hành tố tụng (Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án ) với nhau;
- Nhóm 2: Quan hệ giữa cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng án với đương sự (người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) và với những người tham gia tố tụng khác (người đại diện cho đương sự, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, người làm chứng, người giám định và người phiên dịch);
- Nhóm 3: Quan hệ giữa các đương sự, những người tham gia tố tụng khác với nhau.
Trong ba nhóm đối tượng điều chỉnh trên, nhóm 2 là nhóm phổ biến nhất. Hai nhóm đối tượng còn lại không thực sự phổ biến và có sự điều chỉnh của các ngành luật khác nếu mục tiêu chủ yếu của quan hệ xã hội đó không phải là giải quyết vụ án. Ví dụ, quan hệ giữa Chánh án Toà án với Thẩm phán trong việc phân công Thẩm phán xử lý đơn kiện, phụ trách giải quyết vụ án cử Thẩm phán thay đổi người bị thay đổi; quan hệ giữa người làm chứng với đương sự, quan hệ giữa đương sự với người bảo vệ quyền lợi của đương sự… là những quan hệ không hoàn toàn do Luật Tố tụng hành chính điều chỉnh.