Nhằm duy trì trật tự quản lý nhà nước, các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải được bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh trong thời gian luật định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc thi hành các đối tượng khiếu kiện nêu trên có thể gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được, ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và việc thi hành án, pháp luật tố tụng hành chính quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm giải quyết các yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ hoặc bảo đảm việc thi hành án.
Việc áp dụng BPKCTT với mục đích chính nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, Tòa án không mặc nhiên áp dụng BPKCTT nếu không có yêu cầu từ phía chủ thể có quyền và lợi ích có nguy cơ ảnh hưởng.
Theo quy định tại Điều 66 Luật TTHC Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện của đương sự có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 68 của Luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
2. Trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 68 của Luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.
3. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải thực hiện biện pháp bảo đảm.
Điều 67. Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa do một Thẩm phán xem xét, quyết định.
2. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Việc yêu cầu áp dụng BPKCTT là quyền của những người có quyền và lợi ích hợp pháp được Tòa án bảo vệ, vì thế, Tòa án không thể đơn phương áp dụng và Viện kiểm sát không thể mặc nhiên yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng.
Khác với yêu cầu áp dụng BPKCTT trong tố tụng dân sự, người yêu cầu áp dụng BPKCTT trong tố tụng hành chính không phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Trong tố hành chính, người bị kiện luôn là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, như vậy, nếu người bị kiện yêu cầu áp dụng BPKCTT cũng phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Pháp luật hiện hành chưa quy định về nguồn kinh phí bảo đảm trong trường hợp này. Bên cạnh đó, trong trường hợp người yêu cầu áp dụng BPKCTT là người dân (người nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn hoặc các đối tượng chính sách xã hội…) thì việc quy định buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng không có tính khả thi và làm hạn chế quyền của người dân được yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ
Thời điểm áp dụng BPKCTT và thời điểm có hiệu lực của quyết định áp dụng BPKCTT
Với mục đích giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án, BPKCTT có thể được áp dụng trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hành chính. Thông thường, BPKCTT được áp dụng sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, tuy nhiên, trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, BPKCTT vẫn có thể được áp dụng trước khi Tòa án thụ lý vụ án đối với trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức nộp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện. Quy định này nhằm giúp cho Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự một cách kịp thời, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng.
Do tính chất “khẩn cấp”, quyết định áp dụng BPKCTT có hiệu lực thi hành ngay mặc dù có khiếu nại, kiến nghị. Vì thế, để quyết định áp dụng BPKCTT được thực hiện nghiêm chỉnh, theo quy định Tòa án phải cấp hoặc gửi ngay quyết định áp dụng BPKCTT cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp. Người bị áp dụng BPKCTT phải thi hành ngay khi nhận được quyết định.
Luật tố tụng hành chính hiện hành không quy định thời hạn có hiệu lực của quyết định áp dụng BPKCTT. Tuy nhiên, BPKCTT là giải pháp tạm thời được Tòa án ban hành bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước khi có phán quyết của Tòa án về vụ án hành chính. Vì thế, BPKCTT chỉ có hiệu lực trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.