Các cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan nhà nước, thực hiện quyền lực nhà nước trong việc giải quyết các vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức trong xã hội. Các quyết định và hành vi tố tụng của cơ quan này có giá trị bắt buộc đối với các chủ thể phải chấp hành. Hoạt động tố tụng của cơ quan này mang tính độc lập, không lệ thuộc vào các cá nhân, cơ quan và tổ chức khác. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ theo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa: “Mọi hoạt động tố tụng hành chính của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuân theo các quy định của Luật này”.
Trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Luật TTHC đã có những quy định thể hiện sự phân biệt cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, sự phân biệt này hoàn toàn có cơ sở pháp lý khi nghiên cứu các quy định của của các văn bản pháp luật trên thấy được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng khác với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng người tiến hành tố tụng. Theo Luật TTHC thì các cơ quan tiến hành tố tụng gồm Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân. Các cơ quan này tham gia vào tố tụng hành chính với mục đích, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau.
Tòa án nhân dân
Địa vị tố tụng của Tòa án nhân dân với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng được xem xét từ vị trí pháp lý; chức năng hoạt động; vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và các hoạt động tố tụng cụ thể trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Vị trí pháp lý, chức năng hoạt động và vai trò của Tòa án nhân dân được xác định bởi Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự và các Tòa án khác là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định: “Tòa án xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, lao động, kinh tế và hành chính. Trong phạm vi chức năng của mình, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”.
Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
Như vậy, Tòa án nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng, có nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính theo quy định của pháp luật. Hoạt động xét xử hành chính của Tòa án nhân dân được quy định trong Luật TTHC.
Về cơ cấu tổ chức: theo quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì hệ thống tổ chức của Tòa án gồm có: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các Tòa án quân sự; các Tòa án khác do luật định. Trong đó, chỉ có Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính. Các Tòa án không có thẩm quyền giải quyết giải quyết các vụ án hành chính.
Tòa án nhân dân tối cao gồm có: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án quân sự Trung ương, Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính và các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bộ máy giúp việc. Trong đó Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa hành chính và các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao là có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính.
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm có: Ủy ban Thẩm phán; Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính; trong trường hợp cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bộ máy giúp việc. Trong đó, Ủy ban Thẩm phán, Tòa hành chính là có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính theo thủ tục tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật.
Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có các Tòa án chuyên trách như Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh mà chỉ có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án. Tòa án nhân dân cấp huyện có quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối các vụ án hành chính theo quy định của pháp luật. Tùy vào tính chất của vụ án hành chính, chánh án tòa án phân công cho thẩm phán chuyên trách về hành chính giải quyết.
Về thẩm quyền, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật TTHC quy định thẩm quyến xét xử của các cấp Tòa án: xét xử sơ thẩm vụ án hành chính thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh; xét xử phúc thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; xét lại bản án theo thủ tục đặc biệt giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa hành chính Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Ngoài ra, Luật TTHC còn quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, , theo kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Thẩm quyền xét lại này thuộc về Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
. Bằng việc quy định thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án các cấp, Luật TTHC đã cụ thể hóa chức năng xét xử của Tòa án được quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân trong tố tụng hành chính.
Mục đích hoạt động của Tòa án nhân dân trong tố tụng hành chính: Trong tố tụng hành chính, mục đích của Tòa án nhân dân là thông qua việc giải quyết vụ án hành chính một cách kịp thời, công minh và đúng pháp luật để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm pháp chế XHCN, trật tự kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước. Mục đích này xuất phát từ nhiệm vụ chung của Tòa án nhân dân được Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định. Để đạt mục đích trên, Tòa án nhân dân cần tiến hành những hoạt động tố tụng theo đúng các nguyên tắc của tố tụng hành chính và các quy định cụ thể của pháp luật tố tụng hành chính.
Khi giải quyết một vụ án hành chính cụ thể, Tòa án nhân dân phải thực hiện tốt ba nhiệm vụ sau đây của hoạt động xét xử:
1) Kết luận chính xác về các tình tiết khách quan của vụ án thông qua việc xác minh, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ, đúng đắn các chứng cứ của vụ án;
2) Kết luận chính xác về cơ sở pháp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, tức đánh giá đúng đắn việc áp dụng pháp luật của cơ quan hoặc của người đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
3) Quyết định đúng đắn việc chấp nhận hay bác yêu cầu của người khởi kiện, hủy, sửa đổi hay giữ nguyên quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Để Tòa án nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ xét xử nói trên, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật TTHC quy định nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mang tính tố tụng của Tòa án trong các giai đoạn của quá trình tố tụng.
Cụ thể, trong tố tụng hành chính Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Xem xét đơn khởi kiện và quyết định việc thụ lý vụ án hành chính;
- Lập hồ sơ vụ án hành chính;
- Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án hành chính;
- Chuyển giao các bản án, quyết định cho Viện Kiểm sát để Viện Kiểm sát xem xét quyết định việc kháng nghị;
- Bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng gây ra.
Viện Kiểm sát nhân dân
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện kiểm sát các hoạt động tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật. Tuy cũng là cơ quan tiến hành tố tụng nhưng Viện kiểm sát không có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết vụ án hành chính như Tòa án. Viện kiểm sát chỉ kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc giải quyết vụ án hành chính để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hành chính được đúng đắn và kịp thời.
Tính chất hoạt động, vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như các loại hoạt động kiểm sát và phương thức hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân được quy định tại Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
Viện Kiểm sát thực hiện chức năng công tố trong các vụ án hình sự và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, trong đó có kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động. Mục đích của hoạt động kiểm sát xét xử quy định: Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết các vụ án đúng pháp luật, kịp thời.
Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm có: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các Viện kiểm sát quân sự. Trong đó chỉ có Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mới có nhiệm vụ và quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hành chính.
Để thực hiện chức năng kiểm sát xét xử, Điều 21 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND bao gồm:
- Kiểm sát việc thụ lý, lập hồ sơ vụ án; yêu cầu tòa án nhân dân hoặc tự mình xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án;
- Tham gia các phiên tòa và phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án;
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân;
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những ngừời tham gia tố tụng;
- Kiểm sát các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân;
- Yêu cầu Tòa án nhân dân áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu Tòa án nhân dân cùng cấp hoặc Tòa án nhân dân cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án để xem xét, quyết định việc kháng nghị.
- Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn của chức kiểm sát nói trên, trong tố tụng hành chính Viện Kiểm sát còn có quyền khởi tố vụ án hành chính theo quy định của pháp luật;
Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát nhằm góp phần bảo đảm cho việc giải quyết vụ án kịp thời, công minh, đúng pháp luật, khắc phục các sai lầm trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Nếu xét về vai trò tố tụng của VKS thì có thể không nên gọi VKS là cơ quan tiến hành tố tụng vì VKS không tiến hành giải quyết vụ án và quyết định đối với khiếu kiện như Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, xét về mục đích tham gia tố tụng của Viện Kiểm sát là góp phần bảo đảm cho vụ án được xét xử kịp thời, công minh, đúng pháp luật, và khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thì Viện Kiểm sát cũng nhân danh Nhà nước, phối hợp với Tòa án để thực hiện nhiệm vụ chung của quá trình tố tụng đối với vụ án thì Viện Kiểm sát cũng là cơ quan tiến hành tố tụng. Hoạt động của Viện Kiểm sát với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng cần được hiểu theo tinh thần này.