Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

  •  Lượt xem: 35
     Đánh giá:
  • Nhằm duy trì trật tự quản lý nhà nước, các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải được bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh trong thời gian luật định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc thi hành các đối tượng khiếu kiện nêu trên có thể gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được, ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và việc thi hành án, pháp luật tố tụng hành chính quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm giải quyết các yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ hoặc bảo đảm việc thi hành án.

     
Chi tiết sản phẩm

     Theo quy định tại Điều 68 Luật TTHC, biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính gồm có 3 biện pháp sau đây: Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, một phần hoặc toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;  Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính; Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.

1. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh 

Quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là những quyết định của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước có tính chất buộc thi hành đối với đối tượng quản lý trong thời hạn quy định. Tuy nhiên, có những quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh khi thi hành có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục. Vì thế, pháp luật tố tụng hành chính quy định biện pháp tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nhằm giải quyết vấn đề trên.

Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là việc tạm dừng thi hành các quyết định trên. Khi khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, đương sự hoặc người đại diện của đương sự có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp này nếu có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật và việc thi hành quyết định đó sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục. Như vậy, để Tòa án có thể áp dụng biện pháp này, người yêu cầu áp dụng phải có những chứng cứ chứng minh quyết định yêu cầu tạm đình chỉ là trái pháp luật và việc thi hành quyết định đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục. 

2. Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính

Bên cạnh quyết định hành chính, hành vi hành chính là hình thức quan trọng và phổ biến để cơ quan nhà nước, những người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành. Hành vi hành chính khi được thực hiện có thể gây ra hậu quả khó khắc phục. Vì thế, khi khởi kiện đối với hành vi hành chính, đương sự hoặc người đại diện của đương sự có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính nếu có căn cứ cho rằng hành vi hành chính là trái pháp luật và việc tiếp tục thực hiện hành vi hành chính sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục.

     3. Cấm hoặc buộc thực hiện những hành vi nhất định

Trong tố tụng hành chính, việc thực hiện hoặc không thực hiện các hành vi nhất định của đương sự có thể ảnh hưởng đến hoạt động giải quyết vụ án hành chính hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của đương sự hoặc người đại diện của đương sự, Tòa án có thể ra quyết định không cho phép đương sự thực hiện những hành vi nhất định hoặc bắt đương sự phải thực hiện những hành vi nhất định nếu có căn cứ cho rằng đương sự thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Toà án giải quyết.

Như vậy, theo quy định biện pháp cấm hoặc buộc thực hiện những hành vi nhất định chỉ áp dụng đối với đương sự, nếu trong trường hợp người khác không phải là đương sự có những hành vi ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hành chính hoặc ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án không thể áp dụng biện pháp này. 

Số điện thoại