TĂNG MỨC HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP LÀ CẦN THIẾT

Thứ 7, 30/11/2024

Administrator

48

Thứ 7, 30/11/2024

Administrator

48

BÀI VIẾT CỦA PHÓNG VIÊN THẢO HIỀN - TRẦN MINH, ĐĂNG TRÊN BÁO PHÁP LUẬT TP.HỒ CHÍ MINH NGÀY 30/11/2024

 Người lao động ủng hộ việc tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp vì mức hưởng hiện nay thấp so với nhu cầu cần thiết.

Tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Đại biểu cho rằng mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chưa kể đến chi phí gia đình.

Thông tin trên nhận về nhiều sự quan tâm của bạn đọc, cho rằng tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là hợp lý, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Tăng càng sớm càng tốt

“Tôi ủng hộ sửa đổi luật, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%, thay vì 60% như cũ là hợp lý. Việc tăng này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Với tình hình lạm phát tăng cao, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, mức trợ cấp 60% là không đủ để trang trải nhu cầu cơ bản. Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong thời gian không có việc làm, đảm bảo mức sống cơ bản và ổn định cuộc sống gia đình. Chưa kể chính sách hấp dẫn có thể khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, đảm bảo quyền lợi lâu dài” - bạn đọc DungNguyen...@gmail.com.

“Đại biểu nói rất chính xác, có đóng thì phải có hưởng mới công bằng. Tôi làm công nhân, mức lương cứng 5 triệu đồng/tháng, vậy trợ cấp thất nghiệp khoảng 3 triệu đồng/tháng, gần như không đủ để trang trải ngay cả các chi phí thiết yếu như ăn uống, nhà ở. Kinh tế khó khăn, sa thải hàng loạt nên người lao động như “ngàn cân treo sợi tóc”, có thể mất việc bất cứ lúc nào. Nếu chi trả mức trợ cấp thất nghiệp như hiện tại thì rất khó sống. Mong sớm áp dụng việc tăng trợ cấp thất nghiệp” - bạn đọc Hà Trần.

“Hiện tính từ thời điểm người lao động chính thức nghỉ làm, công ty sẽ thực hiện các thủ tục liên quan, bao gồm chốt sổ BHXH. Thời gian chốt sổ BHXH kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Sau khi sổ BHXH được chốt, người lao động nộp hồ sơ hưởng BHXH. Thời gian xử lý và duyệt hồ sơ khoảng 20 ngày. Sau khi hồ sơ được duyệt, thời gian để chi trả tiền BHXH là 10 ngày. Nếu không có vướng mắc trong quá trình xử lý, tổng thời gian từ khi nghỉ việc đến khi nhận tiền là khoảng 2 tháng. Quá lâu! Bên cạnh việc tăng mức trợ cấp thất nghiệp, cần xem lại quy trình, quyết định duyệt phải có hiệu lực kể từ ngày nghỉ việc để đảm bảo quyền lợi” - bạn đọc NhatNam...@gmail.com.

Tăng trợ cấp thất nghiệp là hợp lý

Trao đổi với PV, ThS Nguyễn Đức Hiếu, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết trước tiên cần phải hiểu việc tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng; đặc biệt là người lao động, người sử dụng lao động và ngân sách nhà nước. Do đó, Quốc hội cần thảo luận một cách thận trọng trước khi đưa ra quyết định. 

“Nếu tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết của người lao động và đảm bảo an sinh xã hội” - ThS Hiếu nhận định.

Theo ThS Hiếu, nước Pháp hiện có quy định về mức tối thiểu, tối đa của trợ cấp thất nghiệp được hưởng. Do đó, chúng ta cũng có thể nghiên cứu để đưa ra mức tối thiểu, tối đa nhằm có mức khung để cho các đối tượng, đảm bảo quyền của người lao động thất nghiệp.

Ngoài ra, chúng ta có thể tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở đóng BHXH cho người lao động, nhằm đảm bảo rằng các đơn vị kê khai và đóng mức bảo hiểm đúng, phản ánh thực tế mức lương người lao động được hưởng. Bởi vì hiện nay chúng ta đang trả mức bảo hiểm thất nghiệp dựa trên số tiền đóng và cũng có những doanh nghiệp kê khai để đóng bảo hiểm thấp hơn thực tế.

“Chung quy lại việc tăng trợ cấp thất nghiệp là hợp lý. Tuy nhiên phải thận trọng, nghiên cứu kỹ các hướng và mô hình khác nhau, kết hợp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đóng bảo hiểm, tăng nguồn cấp ngân sách nhà nước vào quỹ để trả BHXH và bảo hiểm thất nghiệp (như mô hình của nước Úc)… để các quy định dễ dàng đi vào cuộc sống” - ThS Hiếu đề xuất.

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 

Theo Điều 49 Luật Việc Làm 2013, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng các điều kiện là lý do chấm dứt hợp đồng lao động, về thời gian đóng bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ và chưa tìm được việc làm. Cụ thể như sau:

Đã chấm dứt hợp đồng lao động (không thuộc trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật);

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn;

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (không áp dụng một số trường hợp loại trừ).

Luật sư NGUYỄN SƠN LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

Số điện thoại